Năm 2014, để đảm bảo cho Đề án trên đi vào hoạt động, Công an huyện Thạnh Hòa tham mưu Ủy ban nhân dân huyện mua 11 xe mô tô, cùng 11 bộ hệ thống thông tin lưu động, 01 bộ máy vi tính lập trình tiếng loa ANTT, với số tiền để trang cấp cho 11 xã, thị trấn.
Qua 05 năm thực hiện Đề án, Công an huyện Thạnh Hòa đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được 310 bản tin với khoảng 1.550 tin; Công an các xã, thị trấn tuyên truyền bằng phương tiện loa lưu động được 15.950 cuộc. Từ đó, góp phần đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện ngày càng vững mạnh; ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân được nâng lên, đã mạnh dạn cung cấp cho lực lượng Công an 3.542 tin về ANTT và hoạt động của các hệ loại đối tượng, trong đó có 2.105 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông trên địa bàn qua từng năm.
 |
Công an huyện Thạnh Hòa triển khai mô hình "Tiếng loa ANTT". |
Cụ thể, từ khi triển khai đến nay, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn huyện Thạnh Hòa giảm, đặc biệt là tình trạng trộm nóng, trộm đêm, cướp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng… các mâu thuẫn trong nhân dân được người dân tự bàn bạc giải quyết ngay tại địa bàn dân cư, góp phần kéo giảm đáng kể tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Năm 2016, Công an huyện Thạnh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Camera giám sát ANTT - ATGT”; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khảo sát các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn phức tạp về ANTT để xác định vị trí lắp đặt hệ thống Camera. Đến nay, đã có 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện mô hình “Camera giám sát ANTT - ATGT”, vận động xã hội hóa lắp được tổng cộng 59 trạm - 156 mắt trên các tuyến giao thông và các tụ điểm phức tạp về ANTT với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và nhân dân tự lắp đặt được 1.214 camera: Cơ quan 162; trường học 162; doanh nghiệp 452; nơi công cộng 151; hộ gia đình 287 với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng.
Qua triển khai, nhân rộng mô hình đã phục vụ tích cực công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giám sát được tình hình ANTT, an toàn giao thông trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; tác động trực tiếp đến ý thức của người dân, nhất là các loại đối tượng. Mô hình này được các cấp, các ngành đánh giá cao, giúp lực lượng Công an truy xét, bắt nhanh các đối tượng phạm tội, xử lý chính xác các vụ vi phạm hành chính, tai nạn giao thông; phát hiện giải tán kịp thời các băng, nhóm tụ tập đêm khuya gây mất trật tự công cộng..., tạo sự an tâm cho người dân.
Kết quả, qua hình ảnh Camera ghi lại, cơ quan Công an nhận dạng đối tượng gây án, điều tra làm rõ 01 vụ giết người; 01 vụ cướp tài sản; 01 vụ cướp giật tài sản; 11 vụ trộm cắp tài sản; phát hiện 07 vụ vận chuyển hàng cấm; 20 vụ đánh nhau, gây mất trật tự công cộng; giải tán 105 nhóm/1.025 thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya; giải tán 45 tụ điểm đánh bạc trái phép; nhắc nhở 23 trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lề đường; xử lý 15 vụ va chạm giao thông; 03 vụ tai nạn giao thông.
Đầu năm 2019, Công an huyện Thạnh Hòa triển khai mô hình “Móc khóa tiếp nhận thông tin ANTT”, chọn xã Thạnh An triển khai thực hiện. Sau 03 tháng triển khai thực hiện mô hình này, Công an xã Thạnh An đã tiếp nhận hơn 20 tin báo có giá trị, giúp Công an xã triệt xóa 02 tụ điểm đánh bạc, giải quyết 02 vụ đánh nhau, bắt 03 trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép, 01 trường hợp sử dụng súng tự chế… Ngoài ra, Công an xã còn nhận được nhiều thông tin về tội phạm, vụ việc vi phạm hành chính thông qua số điện thoại trên móc khóa, từ đó, nhanh chóng triển khai lực lượng, giải quyết tình hình xảy ra... Đồng thời, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng giải quyết nhiều vụ việc xảy ra ngay từ cơ sở, góp phần giữ gìn ANTT tại địa phương./.