Hội nghị góp ý kiến dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong Công an nhân dân

12/04/2013
Sáng 11/4/2013, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong Công an nhân dân (CAND). Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban soạn thảo dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Học viện, nhà trường CAND, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên viên nghiên cứu khoa học trong lực lượng CAND.

Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về trình tự, thủ tục khởi tố điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng như quyền hạn và trách nhiệm của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân. Quá trình triển khai thực hiện Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản thi hành nói chung và trong CAND nói riêng cơ bản đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thực tiến đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được tổng kết đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, cần tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm như: xác định mô hình tố tụng hình sự ở nước ta, hệ thống các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, các quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và mở rộng diện những người tham gia tố tụng và một số chế định về biện pháp ngăn chặn, chế định chứng cứ, một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền của cơ quan điều tra trong CAND, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân. Từ thực tiễn công tác điều tra, xử lý tội phạm tại đơn vị mình để nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong dự thảo cho phù hợp. Các ý kiến đóng góp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, thể hiện rõ quan điểm, lý luận thực tiễn thiết thực để Ban soạn thảo tập hợp, tiếp thu, chỉnh lý, góp phần xây dựng dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) phù hợp với tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao.



Tại hội nghị, một vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận rất kỹ liên quan đến đề xuất của cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), đó là “bổ sung các quy định để đảm bảo mọi hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát từ khâu tiến hành các biện pháp trinh sát đến khi kết thúc điều tra”. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an nêu quan điểm: Biện pháp trinh sát là một trong những biện pháp nghiệp vụ đặc thù, chuyên biệt và có yêu cầu bí mật cao liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm mà Đảng, Nhà nước đã giao cho lực lượng CAND để thực hiện đấu tranh có hiệu quả với các loại hành vi phạm tội, nhất là đối với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy…, đồng thời hoạt động trinh sát không phải là hoạt động tố tụng hình sự. Vì thế không nên luật hóa một số biện pháp trinh sát vào Bộ Luật Tố tụng hình sự. 

Đồng quan điểm trên, Thiếu tướng Trần Thùy, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Thành phố Hà Nội phát biểu: Việc sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự là cần thiết đối với thực tế hiện nay. Tuy nhiên không nhất thiết phải có các định hướng mới trong việc thu thập chứng cứ, nhất là việc đưa ra định hướng luật hóa một số biện pháp trinh sát vào Bộ Luật Tố tụng hình sự sẽ nảy sinh những bất cập giữa các biện pháp nghiệp vụ đặc thù mà Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng CAND thực hiện để đấu tranh phòng, chống tội phạm với hoạt động tố tụng hình sự do pháp luật quy định đối với Cơ quan điều tra trong CAND.  Cũng về vấn đề này, Đại tá Nhâm Ngọc Tám, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trinh sát là một biện pháp nghiệp vụ đặc thù để đấu tranh với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và các hoạt động phạm tội khác, đặc biệt là các hoạt động phạm tội nguy hiểm. Trong xã hội hiện nay và từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, việc công khai các biện pháp trinh sát là hết sức nguy hiểm và không phù hợp với các quy định giữ bí mật nghiệp vụ.

Hội nghị góp ý kiến dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong Công an nhân dân diễn ra trong hai ngày 11-12/4/2013./.
 

Nguyễn Kim
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website