Phụ nữ Phòng Hồ sơ: Khiến những trang tài liệu “biết nói”

26/02/2019
“Những trang hồ sơ, tài liệu “biết nói” là một trong những chứng cứ quan trọng để đưa mỗi vụ án ra ánh sáng, bắt những kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội, đó là điều mà đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh thấy công việc của mình càng có ý nghĩa quan trọng, cảm thấy thêm yêu và gắn bó với công việc tưởng chừng như “khô cứng và nhàm chán”.

Đến Đội Tàng thư căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh với hàng dài các dãy tủ đựng hồ sơ, chất đầy những tài liệu, thông tin về tội phạm, những nữ cán bộ của đơn vị vẫn miệt mài nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ từng dấu vân tay, thông tin của các đối tượng phạm tội được cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu tra cứu mới thấy công việc của cán bộ hồ sơ không hề đơn giản, từng thao tác phải cẩn trọng, tỉ mỉ, đòi hỏi mỗi thông tin tra cứu phải cụ thể, chính xác.

Thiếu tá Hà Thị Hiền Phương, Hội trưởng Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trung bình một ngày bình thường, mỗi cán bộ phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết hơn 100 yêu cầu tra cứu. Vào những đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, tuyển sinh đại học, cao đẳng, nghĩa vụ hay bầu cử, yêu cầu phục vụ quy hoạch chức danh của các đơn vị ngành ngoài, chúng tôi đều huy động 100% chị em làm thêm ngoài giờ hành chính, làm thêm cả thứ 7, chủ nhật, phân chia đầu việc cụ thể, ai làm sáng không xong thì chiều làm, chiều chưa xong thì tối làm, hoặc cứ rỗi lúc nào thì tranh thủ lúc đó, miễn là nhiệm vụ hoàn thành”.

Phân tích tỉ mỉ từng dấu vân tay, thông tin của các đối tượng phạm tội.


Xuất phát từ tình hình thực tiễn yêu cầu tra cứu ngày càng tăng cao, việc tra cứu phải trải qua 03 bộ phận từ Đội Hồ sơ Cảnh sát, Đội Hồ sơ An ninh và Tàng thư căn cước can phạm mất nhiều thời gian, để đáp ứng nhiệm vụ công tác, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo đơn vị thành lập mô hình “tra cứu một cửa”, tiếp nhận và trả lời yêu cầu tra cứu ở cùng 01 bộ phận, qua đó góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tra cứu từ 01 đến 07 ngày còn 01 đến 03 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương đến tra cứu không phải đi lại nhiều lần, đỡ mất nhiều thời gian, công sức.

Tại bộ phận một cửa Phòng Hồ sơ nghiệp vụ gửi yêu cầu tra cứu, Thượng úy Nguyễn Hà Nhì, Đội An ninh, Công an huyện Đầm Hà chia sẻ: “Hơn 100km đoạn đường lại khó đi, tôi thường gửi yêu cầu tra cứu theo đường công văn, sau 03 đến 05 ngày Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã trả lại yêu cầu về tận đơn vị nên việc tra cứu của chúng tôi hết sức đơn giản. Có những lần yêu cầu tra cứu phục vụ công tác điều tra phá án cần gấp tài liệu, các đồng chí Phòng Hồ sơ nghiệp vụ tạo điều kiện tra cứu giúp tôi trong ngày trả luôn để không mất thời gian đi lại nhiều lần, mất công mất sức”.

Mô hình tra cứu một cửa do Hội Phụ nữ Phòng hồ sơ nghiệp vụ đảm nhận trung bình 01 năm tiếp nhận và xử lý gần 30.000 yêu cầu nghiệp vụ tra cứu, 01 tháng xử lý hơn 1.000 yêu cầu. Với khối lượng công việc lớn, 12 hội viên phụ nữ trong đơn vị phải căng mình làm việc, có thời điểm 01 ngày mỗi hội viên xử lý hơn 100 yêu cầu, nhiều trường hợp tra cứu gấp phải trả ngay trong ngày nên đơn vị thường huy động hội viên làm cả ngày lẫn tối.

Để hồ sơ, tài liệu trở nên hữu ích, hằng năm, hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ không chỉ lập mới mà còn tiếp nhận, nhập thông tin, tài liệu phản ánh về diễn biến hồ sơ, đối tượng và người phạm tội. Thông qua đó thống kê, quản lý được tổng số các yêu cầu tra cứu nghiệp vụ, từ đó, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm, cùng phối hợp với các đơn vị chuyên môn khác kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh việc quản lý, sử dụng những trang hồ sơ giấy, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã đề xuất đơn vị ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại phục vụ công tác tra cứu như hệ thống quản lý thông tin vụ việc, đối tượng; hệ thống nhận dạng vân tay tự động VAFIS đã nhập, lưu trữ được hàng chục nghìn chỉ bản vân tay đối tượng có tiền án, tiền sự, phục vụ yêu cầu truy tìm tung tích nạn nhân, xác minh thông tin lai lịch nạn nhân và đối tượng phạm tội... Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu tra cứu gấp để kịp thời truy bắt tội phạm, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại để tra cứu đã giúp rà soát, sàng lọc đối tượng nghi vấn nhanh chóng, chính xác, góp phần giải mã thành công nhiều chuyên án.

Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đề xuất đơn vị ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại phục vụ công tác tra cứu.


Trung tá Trần Thị Nhung, Đội trưởng Đội Hồ sơ Nghiệp vụ An ninh chia sẻ: “Ngoài công tác nghiệp vụ hồ sơ, phụ nữ chúng tôi làm cả phần việc theo dõi, quản lý kỹ thuật, quản lý phần mềm tra cứu làm sao đảm bảo thời gian tra cứu luôn thông suốt, máy chủ phải bật 24/24 giờ hoạt động, nếu máy chủ không hoạt động sẽ ảnh hưởng đến công tác của các đơn vị khác khi cần tra cứu. Vì vậy, việc trực trong đơn vị cũng được cán bộ thực hiện nghiêm túc”.

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, với tâm niệm “cho đi là nhận lại”, hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2018, hội viên phụ nữ đơn vị đã phát động chương trình “mỗi cán bộ, chiến sỹ ủng hộ 01 ngày lương” để làm quỹ từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh; với chị em hội viên phụ nữ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh, dù thời gian nhiều eo hẹp, công việc nhiều bộn bề, vất vả nhưng các chị vẫn âm thầm, lặng lẽ đằng sau mỗi chuyên án, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, thực sự là “địa chỉ tin cậy” để các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh và nhân dân gửi gắm niềm tin, xứng đáng với danh hiệu “phụ nữ phòng hồ sơ tận tụy, khoa học, giỏi việc nước, đảm việc nhà, vì nhân dân phục vụ”.

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website