Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Công an nhân dân

17/10/2015
Tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp tại Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Chiến lược cải cách tư pháp là chủ trương lớn, quan trọng đã được Đảng ta đề ra ngay từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và từ đó đến nay đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về cải cách tư pháp của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X, XI; trong đó, những quan điểm, mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cơ bản của chiến lược cải cách tư pháp được thể hiện tập trung ở Nghị quyết số 49- NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW). Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã xây dựng chương trình, kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và từng cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, đặc biệt là của cơ quan điều tra và đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Tuy nhiên, cải cách tư pháp là quá trình lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Do vậy, bên cạnh những kết quả, ưu điểm đã đạt được, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Công an nhân dân thời gian qua còn những khó khăn, vướng mắc; cụ thể là: công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp vững mạnh theo mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 49-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế; kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ thi hành án hình sự tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp; kinh phí điều tra hàng năm đều đã tăng nhưng so với thực tế yêu cầu công tác điều tra còn hạn hẹp, chưa đủ để chi trả cho người bào chữa, người làm chứng, hội đồng định giá tài sản, sao bệnh án…

 

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh- Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp tham luận tại Đại hội.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp trong Công an nhân dân, theo chúng tôi cần quán triệt phương hướng sau đây:

Thứ nhất, công tác quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Công an nhân dân phải đặt dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Thứ hai, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động các Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trong Công an nhân dân, đề cao trách nhiệm của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Thứ ba, quán triệt và bám sát các chương trình, kế hoạch công tác tư pháp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để chủ động đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Công an nhân dân.

Thứ tư, kiên trì xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chiến lược cải cách tư pháp; tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, cối lõi của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân nói riêng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật và cải cách tư pháp; coi trọng và thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn thực hiện công tác cải cách tư pháp và các quy định của pháp luật về phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm; tổ chức nghiên cứu, tham khảo và tiếp thu có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thi hành pháp luật về tổ chức và hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp của nước ngoài.

Quán triệt phương hướng nêu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp sau đây:

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt các nội dung các văn kiện của Đảng về công tác cải cách tư pháp, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách tư pháp hàng năm cho lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp với cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ.

- Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, bảo đảm chất lượng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án được phân công chủ trì xây dựng, nhất là dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi); dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tăng cường công tác hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm; hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng các đề án đã được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương phân công chủ trì xây dựng.

- Tổ chức có hiệu quả công tác quản lý hoạt động điều tra của thủ trưởng Cơ quan điều tra; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, gắn kết chặt chẽ công tác trinh sát với hoạt động điều tra tố tụng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, h­­ướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan điều tra và các cơ quan bổ trợ tư pháp; bảo đảm để người bào chữa thực hiện tốt nhiệm vụ khi tham gia tố tụng; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; kịp thời phát hiện, uốn nắn sai sót về nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng Công an nhân dân.

- Tiếp tục tham mưu, đề xuất Chính phủ tăng cường biên chế cho lực lượng Công an nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, cân đối giữa Cơ quan điều tra, giữa lực lượng làm công tác phòng ngừa tội phạm và lực lượng làm công tác điều tra theo tố tụng, khắc phục tình trạng điều tra viên phải điều tra quá nhiều vụ án hình sự. Cần nghiên cứu thay đổi cơ chế dự toán phân bổ ngân sách theo hướng tăng kinh phí đáp ứng yêu cầu thực tế công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an nhân dân; ban hành quy định về đảm bảo kinh phí phục vụ một số hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: thuê cơ quan chuyên môn ngoài Công an nhân dân dịch tài liệu, thực hiện giám định, định giá tài sản...; có chế độ miễn giảm đối với những vụ án đòi hỏi kinh phí giám định lớn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong Công an nhân dân cho phù hợp với các chức danh tư pháp khác cũng như yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng này.

- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; tăng cường trao đổi thông tin, nắm tình hình tội phạm trên thế giới, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đàm phán, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế về tư pháp hình sự và phòng, chống tội phạm, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù. Triển khai bố trí đại diện của lực lượng Cảnh sát nhân dân tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật các nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp, nhưng phải chủ động làm tốt công tác phòng, chống các thế lực thù địch, phản động lợi dụng cải cách tư pháp để thực hiện diễn biến hòa bình, tác động chuyển hóa nội bộ./.
                                                                              

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website