75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) - Kỳ Cuối

31/05/2023
Lượt xem: 29510

 

 

- Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước 

+ Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: Trong 5 năm (2017 - 2022) phong trào tiếp tục được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá phong trào; huy động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới. 

+ Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu lớn như: các hộ nghèo đã có xu hướng giảm; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng chuẩn nông thôn mới. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự vươn lên, vượt khó của người dân trong hoàn cảnh khó khăn để làm giàu chính đáng. Phong trào đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Đảng và Nhân dân, là động lực quan trọng mang lại những thành tựu lớn và toàn diện trong lĩnh vực giảm nghèo. 
 


Qua 05 năm thực hiện, phong trào thi đua đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

+ Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”: Trong cộng đồng doanh nghiệp, phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trên các phương diện: thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng doanh thu, lợi nhuận. Cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh doanh thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh. 

Thông qua phong trào thi đua nhiều giải pháp hỗ trợ về phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: tham mưu hoặc ban hành văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua nhiều gói hỗ trợ; thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; gia hạn thời hạn nộp thuế và cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp... 

+ Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”: Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; nâng cao ý thức trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn trong tác phong, lề lối, tinh thần, thái độ làm việc cũng như giao tiếp, ứng xử với Nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân; phấn đấu xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ công chức, viên chức chuẩn mực, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, thân thiện trong hoạt động công vụ. 
 


+ Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19": Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch. Các ban, bộ, ngành, địa phương đã hưởng ứng tham gia phong trào thi đua đặc biệt cũng như ban hành kế hoạch, chương trình nhằm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội được phục hồi, nền kinh tế vượt qua khó khăn và tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả. 

Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều hành động đẹp, thiết thực góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Cùng với đó nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến sức mạnh và niềm tin tất thắng, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19 của đất nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, cả nước đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của Nhân dân. 

- Phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được phát động và tổ chức triển khai sâu rộng ngay từ đầu các năm ở các ngành, các cấp, các vùng miền, địa phương trong cả nước, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trên khắp cả nước 

Các ban, bộ, ngành Trung ương đã phát động các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an; Phong trào “Thi đua Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng... 
 


Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia, như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phong trào thi đua “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phong trào thi đua với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam… 

Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết thi hành, các ban, bộ, ngành, địa phương đã bám sát các nhiệm vụ chính trị triển khai công tác khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ được giao; các tấm gương dũng cảm trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, những cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được các cấp tổ chức trao thưởng ngay tại địa phương, đơn vị phải kết hợp với tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. 

Khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, khen thưởng niên hạn, khen thưởng quá trình cống hiến được triển khai thực hiện đúng quy định và công khai, minh bạch. Cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng các cấp đã kịp thời thẩm định, trình cấp có thẩm quyền thực hiện khen thưởng đột xuất bảo đảm kịp thời để tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. Tập trung khen thưởng phục vụ các nhiệm vụ chính trị, khen thưởng theo chuyên đề; khen thưởng các tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, phong cách Hồ Chí Minh; khen thưởng đối ngoại được thực hiện thường xuyên đúng quy định đã kịp thời ghi nhận những đóng góp của tập thể, cá nhân người nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trong 5 năm qua, các cấp các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện bình xét các danh hiệu thi đua, tặng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua để kịp thời ghi nhận, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Từ năm 2017 đến năm 2022, Đảng, Nhà nước ta đã tặng thưởng 07 Huân chương Sao Vàng; 30 Huân chương Hồ Chí Minh, 5930 Huân chương Độc lập các hạng, 13.862 Huân chương lao động các hạng, 295 Huân chương Quân công, 15.055 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 24.939 Huân chương Chiến công, 48 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 30 Huân chương Dũng cảm, 793 Huân chương Hữu nghị, 418 Huy chương Hữu nghị, 235.593 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, 75. 167 Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 14.156 Huy chương Vì An ninh Tổ quốc, 56 Anh hùng Lao động, 310 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 19 Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 919 Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 116 Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 1698 Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, 84 Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 307 Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 136 Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, 1.205 Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 71 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 157 Giải thưởng Nhà nước, 38.261 Bằng khen Thủ tướng, 6.268 Cờ Thi đua của Chính phủ, 330 Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. 4679 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 38.261, 8.412 Kỷ niệm chương tù đày 3699 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 1901 Huy chương kháng chiến chống Mỹ, 34 Huân chương kháng chiến chống Pháp, 176 Huy chương kháng chiến chống Pháp. 
 


Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X 

+ Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành, các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Kế hoạch 05 năm (2021- 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

+ Các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phải phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; bảo đảm cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình, thường xuyên, lâu dài và hiệu quả. 

+ Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần rộng rãi; bảo đảm hài hoà các lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của cơ quan, đơn vị, địa phương; lợi ích của xã hội. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. 

+ Triển khai thiết thực, hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, trong đó trọng tâm là các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021- 2025, với 5 nội dung quan trọng là thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
 


- Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến 

Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở. Tấm gương các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin, báo chí cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến, qua đó, phát triển, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua. 

- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới 

+ Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Thường xuyên đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chú trọng việc quán triệt, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng. 

+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với thời kỳ mới, góp phần bồi đắp và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

+ Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao cho cộng đồng, xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao và đột xuất, có những hành động cao đẹp, được xã hội tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp... 
 

 

 

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website