Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố chủ trì cuộc họp. Tham dự có Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - Phó trưởng ban dự án, lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban soạn thảo dự án, lãnh đạo các Tổng cục, vụ, cục liên quan thuộc Bộ Công an.
|
Họp ban chỉ đạo xây dựng dự án Luật Phòng, chống khủng bố lần thứ hai |
Mục đích của việc xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống khủng bố. Hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý về nguyên tắc, biện pháp, tổ chức lực lượng đấu tranh phòng, chống khủng bố. Bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả với các tổ chức khủng bố và hoạt động khủng bố để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và xây dựng đất nước trong tình hình hiện nay và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố.
Dự thảo Luật gồm 6 chương, 45 điều với những nội dung cơ bản như: Phòng ngừa khủng bố; chống khủng bố; hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố...được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1- Quán triệt và thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động phản cách mạng, khủng bố, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2- Tuân thủ các quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
3- Nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố và phòng, chống tội phạm mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; tham khảo có chọn lọc pháp luật phòng, chống khủng bố; phòng chống tội phạm của một số nước phù hợp với điều kiện, thực tiễn Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam.
4- Phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động phòng, chống khủng bố của Nhà nước trong thời gian qua.
Theo dự kiến, dự thảo dự án Luật Phòng, chống khủng bố có thể hoàn thành vào tháng 6/2012 để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến./.