Sáng 12/12/2011, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 với chủ đề “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng” đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự phiên khai mạc Hội nghị có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài…
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an TW, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu quan trọng. Dưới đây là lược ghi bài phát biểu của đồng chí Thượng tướng Trần Đại Quang.
Những năm qua, bên cạnh sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng trở nên găy gắt, thì toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của thế giới, khu vực, các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở kiên trì thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã thu được những thành tựu rất quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại, tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng khu vực và quốc tế; tạo được sự chuyển biến tích cực trong quan hệ với các đối tác quan trọng, xây dựng quan hệ ổn định, lâu dài, cùng có lợi giữa nước ta với các nước láng giềng và các nước khác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quán triệt đường lối, chính sách đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X và XI của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định chiến lược quan hệ hợp tác về an ninh, trật tự với Cơ quan An ninh, Tình báo, Cảnh sát các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống, các nước phát triển, các tổ chức quốc tế với lộ trình, bước đi phù hợp; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương và các Ban, bộ, ngành có liên quan kịp thời tham mưu cho Đảng, Chính phủ có chủ trương, chính sách và phương sách ứng xử phù hợp trong quan hệ, hợp tác với các nước. Các mặt quan hệ, hợp tác là xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, mở rộng hợp tác cùng có lợi, khai thác nguồn lực kinh tế, khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến…phục vụ phát triển, giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hậu quả chiến tranh, bảo vệ cơ quan đại diện, công dân Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, chủ động mở rộng hợp tác đấu tranh chống tội phạm, thiết lập thế trận an ninh bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia, triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế diễn ra ở Việt Nam; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, đảm bảo tốt an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các Ban, bộ, ngành có liên quan thông qua đối thoại chính trị - an ninh – quốc phòng, đối thoại nhân quyền với một số nước để trao đổi quan điểm, đấu tranh chống những hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo vi phạm chủ quyền, gây phương hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Bộ Công an đã coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác có hiệu quả thiết thực với các cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung Quốc, Lào, Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm với những biện pháp cụ thể để trao đổi tình hình, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần tạo hành lang an toàn ở khu vực biên giới; phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến an ninh của mỗi nước.
Đã chủ động, tích cực hợp tác với Cảnh sát các nước trong khối ASEAN nhằm trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống và mở rộng hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, cứu hộ, cứu nạn… Đã quan tâm thúc đẩy quan hệ với các nước truyền thống, trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngoài ra, mở rộng hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của một số nước trong việc phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, chống khủng bố…
Cùng với việc củng cố các mối quan hệ đã được thiết lập, thiết lập thêm các quan hệ hợp tác mới, đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo Cơ quan An ninh, Cảnh sát của Mông Cổ, Sri-Lanca, Nam Phi, Mozambic, Angola, New Zealand, Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Bỉ… Đầu tháng 11 năm 2011, Bộ Công an đã đăng cai phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 80 Đại hội đồng Interpol tại Hà Nội, có gần 1200 đại biểu của 152 nước tham dự, đã thông qua các Nghị quyết quan trọng và Chương trình hành động về hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, thể hiện quyết tâm cùng nhau xây dựng một thế giới hoà bình, an toàn và phát triển. Thông qua việc tổ chức Hội nghị này, đã góp phần mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian tới, đất nước ta sẽ có nhiều cơ hội, song cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới; khủng bố, bạo lực, xung đột tôn giáo, sắc tộc; khủng hoảng về tài chính, nợ công tiếp tục là những vấn đề nóng bỏng đối với nhiều quốc gia. Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn không thay đổi. Vì vậy, để quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đối ngoại được đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này, Bộ Công an đã kiến nghị một số điểm về phương hướng phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong thời gian tới như sau:
Trước hết, phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhấn mạnh “điểm tương đồng”, giải toả “điểm bất đồng”. Trong xử lý các vấn đề quốc tế có liên quan đến an ninh quốc gia, phải giữ vững nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia làm trọng để điều chỉnh sách lược một cách linh hoạt, kịp thời và phù hợp với những nguyên tắc đối ngoại của Đảng và Nhà nước; triệt để tranh thủ các điều kiện có được thông qua hợp tác để chủ động đấu tranh ngoại giao, đảm bảo an ninh đối ngoại; tạo sự đồng thuận giữa các nước trong khu vực nhằm phục vụ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ…
Thiết lập các cơ chế hợp tác mới, nâng cấp các cơ chế hiện có, tăng cường trao đổi ý kiến ở cấp cao và các cấp khác về các vấn đề mang tính chiến lược mà ta và các đối tác quan tâm nhằm tạo lòng tin, giảm thiểu sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, tin cậy lẫn nhau và cùng có lợi. Tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý để ký kết các Điều ước và Thoả thuận hợp tác với các nước; tăng cường hoạt động trên các diễn đàn ở trong và ngoài khu vực, thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế, chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại. Rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác quốc tế còn bất cập nhằm khắc phục và hạn chế các sơ hở, thiếu sót.
Quán triệt nhiệm vụ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, triển khai toàn diện hoạt động đối ngoại góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, lực lượng Công an nhân dân nhận thức rõ, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh ngày càng đòi hỏi sự linh hoạt, mềm dẻo với những cơ chế thực hiện có chiều sâu và toàn diện, đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề an ninh đối ngoại của đất nước. Bộ Công an sẽ chủ động tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các Ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong công tác nắm tình hình liên quan đến các hoạt động đối ngoại để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách và biện pháp chỉ đạo sát hợp về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thiết thực phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…