Tình huống giả định được Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đưa ra để bàn bạc phương án phối hợp là sự cố nổ khí gas gây cháy lớn tại tầng 5 tòa nhà Trung tâm Thương mại Diamond Plaza ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Vụ nổ làm sập đổ khu vực nhà hàng tại tầng 5, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và bốc cháy dữ dội lên cả tầng 6. Sự cố cháy nổ giả định này khiến nhiều nhân viên của nhà hàng bị vùi lấp trong khu vực sập đổ; bị bỏng nặng; bị trượt ngã gãy chân... Ngoài ra còn rất nhiều người thoát ra ban công kêu cứu hoặc mắc kẹt trên các tầng cao và ở khu vực sân đỗ trực thăng của tòa nhà chờ cứu hộ…
Sự cố xảy ra, lực lượng PCCC tại chỗ của tòa nhà huy động 65 đội viên khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn ban đầu. Vài phút sau, lực lượng Cảnh sát PCCC huy động gần 300 cán bộ, chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC các quận lân cận và lực lượng nghiệp vụ của Sở Cảnh sát PCCC đến hiện trường với 43 xe chuyên dụng cùng thiết bị hỗ trợ các loại. Lúc này, lực lượng của Cục Cảnh sát PCCC cũng có mặt để phối hợp chỉ huy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, Công an thành phố cũng sẽ huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tổ chức chốt chặn, điều hòa giao thông và giám sát tình hình an ninh trật tự tại khu vực xảy ra cháy.
Về phía các đơn vị Quân đội, Bộ Tư lệnh thành phố cũng sẽ huy động khoảng 40 cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện đến hiện trường để tham gia cứu nạn, cứu hộ. Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng huy động khoảng 20 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường, phối hợp cứu nạn cứu hộ những người đang bị kẹt trong khu vực cháy ra nơi tập kết.
Lực lượng thuộc Sư đoàn Không quân 370 cũng lập tức huy động 2 trực thăng đến hiện trường để cứu hộ những người đang kẹt trên nóc tòa nhà…
|
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an chủ trì cuộc họp. |
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, lý do chọn tòa nhà Diamond Plaza để diễn tập phương án phối hợp PCCC, cứu hộ-cứu nạn là do đây là khu phức hợp, gồm trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, văn phòng và bệnh viện… nên thường tập trung rất đông người.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh góp ý, phối hợp diễn tập đặt tình huống khó chừng nào, khi sự cố thật xảy ra xử lý sẽ dễ dàng chừng đó. Điều quan trọng nhất trong việc phối hợp diễn tập này là tình huống, vì vậy các đơn vị cần cố gắng chọn tình huống có thật. Không lường trước được tình huống sát thực tế, khi sự việc xảy ra sẽ lúng túng và thiệt hại nặng.
Góp ý với phương án phối hợp của Sở Cảnh sát PCCC thành phố, lãnh đạo Quân khu 7 lưu ý ngay trong đợt phối hợp diễn tập này, các đơn vị cũng cần nghiên cứu để lựa chọn loại phương tiện, thiết bị phù hợp sử dụng cho cả sau này.
Đại diện Sư đoàn Không quân 370 đề nghị chọn bãi đáp chính ở sân Phú Thọ và bãi đáp dự phòng là sân vận động Hoa Lư để đề phòng thời tiết xấu và khẳng định: Với những tòa nhà cao tầng không có sân đậu trực thăng, lực lượng không quân cũng sẽ có phương án “treo” máy bay trực thăng lơ lửng để thả thang dây xuống cứu người.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu khẳng định: Phối hợp diễn tập chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn là việc làm thường xuyên của Bộ Công an để khi có tình huống cháy nổ xảy ra sẽ không lúng túng, bị động.
Đồng chí Thứ trưởng Thường trực cũng nhấn mạnh 4 yêu cầu các đơn vị tham gia cần chú ý và thực hiện bằng được, gồm: Huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng chuyên trách của Công an, Quân đội; các cấp, các ngành và của nhân dân cùng tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn phòng chống bão lụt.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Hữu Tín, đồng chí Thứ trưởng Thường trực cũng nhấn mạnh, tình huống đặt ra càng phức tạp, càng sát thực tế bao nhiêu thì sau này có tình huống thật xảy ra sẽ đỡ bị động, lúng túng bấy nhiêu. Đồng thời, vấn đề đặt ra tại cuộc diễn tập này là phải đảm bảo an toàn cho đơn vị trực tiếp tham gia diễn tập; an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và an toàn cho hoạt động kinh doanh của tòa nhà. Với quy mô diễn tập rất lớn, đây được coi như là một bài tập, tư liệu và nội dung để lấy đó tuyên truyền, tập huấn cho các đơn vị khác.
Về nội dung kịch bản, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cũng đề nghị phải hết sức cụ thể và bám sát thực tế; khi gây nổ, phát cháy thì lực lượng tại chỗ phải làm gì, các lực lượng bên ngoài cần làm ngay điều gì; sau đó mới phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng để tránh sơ suất. Đồng ý với phương án diễn tập ở tầng 5 của tòa nhà, nhưng về thời gian, đồng chí Thứ trưởng Thường trực đề nghị nên thực hiện từ 9 – 10h sáng để đảm bảo tính sát thực của các hoạt động diễn ra trong tòa nhà. Thống nhất giao cho Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố là đầu mối chỉ đạo cuộc diễn tập.
Đồng chí Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu còn đề nghị, ngay sau cuộc họp bàn này, Sở Cảnh sát PCCC thành phố phải khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch, kịch bản cụ thể sau khi đã lấy ý kiến của các thành viên ban chỉ đạo. Các đơn vị tham gia cần triển khai sớm phần việc được giao phối hợp khi nhận được kế hoạch chi tiết đã được lãnh đạo Bộ Công an duyệt./.