Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2013, tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tội phạm hình sự được kiềm chế, số vụ trọng án giảm rõ rệt. Đã phát hiện 4.502 vụ phạm pháp hình sự (có 485 vụ xảy ra từ năm 2012 được phát hiện thông qua việc điều tra, khai thác, mở rộng vụ án). Trong đó, có 192 vụ trọng án, chiếm 4,2% tổng số vụ phạm pháp hình sự, giảm 36 vụ (15,8%) so với cùng kỳ năm 2012.
Đánh giá về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của TP. Hà Nội thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 20% tội phạm cả nước. Vì vậy, hai thành phố phải quan tâm chú trọng công tác phòng ngừa xã hội và kịp thời phát hiện, đấu tranh tích cực đối với các mâu thuẫn trong nhân dân. Cần tiếp tục tuyên truyền tốt để phát huy mạnh các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, với các mô hình như “hộ tự phòng, số nhà tự quản”, “cụm tổ liên kết về an ninh trật tự”, “tổ hòa giải 5 tốt”...
Về hoạt động của lực lượng công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, vai trò quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng, nhất là với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như cầm đồ, nhà nghỉ, vũ trường, “chợ trời” tiêu thụ các mặt hàng không rõ nguồn gốc. Chỉ cần lơi lỏng sẽ lập tức xảy ra các tội phạm hình sự, ma tuý, mại dâm.
Thành phố cần kiên quyết tấn công giải quyết các băng nhóm cho vay nặng lãi, đánh bạc vốn luôn gắn với hoạt động bảo kê, côn đồ. Cần tập trung chuyển hóa địa bàn về ma túy, tệ nạn tại vùng ven đang đô thị hoá nhanh, nơi có hiện tượng tội phạm hình sự có dấu hiệu tăng.
Hà Nội báo cáo 100% tin báo tố giác tội phạm được xem xét, xử lý, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu phải xử lý tốt nhất các tin báo tố giác tội phạm. Cần phải khen thưởng kịp thời những nguồn tin chính xác, kịp thời.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cho rằng, Hà Nội cần chú ý đến tội phạm tín dụng đen với nhiều ổ nhóm để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; đồng thời cần chú ý phòng ngừa tội phạm do các nguyên nhân mâu thuẫn xã hội. Hiện nay, các băng nhóm tội phạm có vũ khí đang có dấu hiệu gia tăng, Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo khu vực giáp ranh và nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân. Bên cạnh đó, Thành phố cần chú ý hoạt động lưu động của các tội phạm tỉnh ngoài tràn vào Thủ đô trong dịp Tết nguyên đán.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích to lớn của các tầng lớp nhân dân TP. Hà Nội với vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm. Nhiều mô hình trong bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội được triển khai rộng rãi trong nhân dân. Đặc biệt là tỷ lệ khám phá án chung và trọng án đạt cao, 100% số tin báo tố giác tội phạm đều được xem xét, xử lý.
TP. Hà Nội đã tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh trật tự với công tác chuyển hoá địa bàn một cách hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân và góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên trong nhân dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình tội phạm trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp khi tội phạm hình sự nguy hiểm và án nghiêm trọng vẫn còn cao, chiếm gần 10% số vụ trong cả nước. Hoạt động của tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp, cần xử lý nghiêm những sự việc: Bắt cóc, giết người, cờ bạc, ma tuý, mại dâm, lừa đảo, tham nhũng trong ngân hàng, đất đai, xây dựng, buôn lậu hàng hóa… Công TP. Hà Nội cần nắm chắc công tác địa bàn và dự báo tình hình tội phạm, không để xảy ra nhiều vụ trọng án gây nhức nhối trong xã hội…
TP. Hà Nội phải quan tâm nâng cao trình độ quản lý của các cấp trong công tác phòng chống tội phạm với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ “khoán trắng” cho lực lượng công an.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ rõ cần tăng cường giáo dục quản lý lực lượng công an của các cấp và Thành phố. Không để xảy ra tình trạng bao che, bảo kê của lực lượng công an đối với tội phạm. Muốn vậy, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ của lực lượng cấp trên và Thành ủy, UBND Thành phố. Thành ủy cần giao cho Giám đốc công an Thành phố cơ chế trong việc bổ nhiệm, cách chức, điều chuyển đối với cán bộ trong lực lượng công an nếu phát hiện hay có dấu hiệu vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ.
TP. Hà Nội cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng, chống tội phạm; đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân và tiếp tục tham mưu tốt cho các cấp trong đẩy lùi tội phạm trên địa bàn. Bên cạnh đó, các lực lượng cần tập trung điều tra, triệt phá các băng nhóm tội phạm cướp giật, bảo kê, đòi nợ thuê, tội phạm kinh tế ngân hàng, đất đai, xây dựng, mở đợt phát động thu gom vũ khí trên địa bàn, kịp thời phát hiện nơi ẩn náu của tội phạm và mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết nguyên đán.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội phải xử lý triệt để hết 964 đối tượng cộm cán và 33 băng nhóm tội phạm trên địa bàn Thành phố, nếu thực hiện được vấn đề này thì đây là thành quả lớn của Công an Thành phố Hà Nội đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô và đất nước./.