Hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số

12/10/2024
Sáng 12/10/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện một số doanh nghiệp, trường đại học, tổ công nghệ số cộng đồng của các địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc.

 

Phân tích một số nét lớn về bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực hiện nay, ngoài vấn đề chiến tranh và xung đột, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược, Thủ tướng chỉ ra một số xu thế nổi lên có tác động, ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi nền kinh tế như xu thế CĐS, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; kết nối giữa các nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, kết nối giao thông, kết nối số; phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng, muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài thì không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Thực tế cho thấy đất nước ta đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy CĐS, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng. Trong đó, CĐS, như chúng ta đã và đang làm, đã mang lại lợi ích rất rõ cho đất nước, cho người dân. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết về CĐS nhằm hiệu triệu cả nước tập trung đẩy mạnh công cuộc CĐS.

Năm 2024, CĐS quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về CĐS quốc gia năm 2024.
Toàn cảnh chương trình.

 

Thủ tướng cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta tổ chức Chương trình chào mừng Ngày CĐS quốc gia - sự kiện quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay CĐS quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Sự kiện cũng truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng CĐS một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước. Đặc biệt, nếu làm tốt công tác CĐS, xếp hạng của Việt Nam về CĐS trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất.

"Chúng ta đi sau về CĐS nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", Thủ tướng nói và nêu rõ ba đột phá trong CĐS là thể chế số, hạ tầng số và con người số. Thủ tướng lưu ý điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia tọa đàm về "thúc đẩy CĐS quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ số, cung cấp các giải pháp phục vụ CĐS, đại diện tiêu biểu tổ công nghệ số cộng đồng của các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo của các trường đại học có đào tạo về nguồn nhân lực công nghệ số.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Tọa đàm
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự tọa đàm.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục, thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến; chính sách đặc thù gì cho những đối tượng yếu thế, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số.

Cùng với đó, các đại biểu cũng quan tâm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị và các hoạt động xã hội; chính sách gì để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số; cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập, lợi nhuận trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp để các tổ chức chính trị xã hội tham gia sâu và hiệu quả hơn trong tiến trình CĐS quốc gia…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tọa đàm.

 

Thời gian gần đây, việc các đối tượng sử dụng điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng (như giả làm Công an hướng dẫn cập nhật thông tin VNelD, giả làm nhân viên ngân hàng để hướng dẫn cập nhật sinh trắc học...) diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất niềm tin, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Mặt khác, người dân vẫn còn tâm lý e dè, sợ bị lừa đảo, lộ lọt thông tin khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số.

Về vấn đề này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, CĐS cũng đặt ra nhiều thách thức bởi lẽ khi toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng thì vấn đề phải đối mặt là an toàn trên môi trường mạng. CĐS càng phát triển thì hoạt động tội phạm mạng cũng ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy hiểm hơn.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường mạng thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực, 81,8% các Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được bảo vệ an toàn thông tin theo các cấp độ. Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản đã giúp người dân phòng, tránh và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro và sự cố mất an toàn thông tin mạng. Đã phát triển nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); trong triển khai đánh giá các nên tảng số luôn có 01 yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại tọa đàm.
Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại tọa đàm.

 

Chia sẻ thêm về những giải pháp trong bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh:

Trước hết, cần bảo vệ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức nhà nước.

Thứ hai, bảo vệ người dân trên không gian mạng bao gồm: Bảo vệ ở mức cơ bản, miễn phí đối với các thuê bao băng rộng cố định; tích hợp bảo vệ ở mức cơ bản, miễn phí vào các ứng dụng của nhà mạng để bảo vệ smartphone.

Thứ ba, bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp: Ban hành sổ tay hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp triển khai và công bố bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, hỗ trợ, thúc đẩy đánh giá và gán nhãn Tín nhiệm mạng cho website để tăng mức độ tin cậy.

Thứ tư, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cuối cùng, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng cho người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là hoạt động rất hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, truyền cảm hứng, tạo động lực để làm tốt hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ CĐS cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, bảo đảm thực chất và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược số: (1) Đột phá về thể chế số; (2) Đột phá về hạ tầng số; (3) Đột phá về nguồn nhân lực số; với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh". Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển lực lượng sản xuất mới, chất lượng cao, chuyên nghiệp…

Thủ tướng cũng yêu cầu, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự chương trình.

 

Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua và những hoạt động nổi bật tại sự kiện "Chào mừng Ngày CĐS quốc gia năm 2024", Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc CĐS quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Hà Văn - Quang Khải
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website