Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn khẳng định đặc xá là thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách nhân đạo không chỉ dừng lại ở đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Những phạm nhân được đặc xá lần này là những người có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị Tòa án nhân dân các cấp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử, tuyên phạt theo các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, nay họ có đủ điều kiện thì được xem xét đặc xá, không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù họ là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài. Việc xét đặc xá được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, đúng các tiêu chuẩn, quy định của Luật Đặc xá.
|
Đồng chí Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước; Đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì buổi họp báo (từ trái sang). |
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên hãng Reuters, trong số phạm nhân được đặc xá, có người nào là tội phạm chính trị không, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, theo Bộ luật hình sự Việt Nam, chỉ có khái niệm quy định tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, không có khái niệm tội phạm chính trị. Trong đợt đặc xá này, theo Quyết định của Chủ tịch nước, có 4 trường hợp phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia được đặc xá.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho biết tổng số tiền phạt, bồi thường thiệt hại, án phí thu được của phạm nhân để được đặc xá năm 2013 là hơn 181 tỷ VNĐ, 6414 USD và 9450 Nhân dân tệ. Phạm nhân nộp nhiều nhất trong đợt đặc xá này là 3.265.538.000đ, phạm nhân nộp ít nhất là 50.000đ.
Về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho những người được đặc xá được trở về địa phương, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định đây là vấn đề rất lớn và quan trọng được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Công tác tái hòa nhập cộng đồng được triển khai ngay từ trong các trại giam, trại tạm giam đối với phạm nhân. Ngoài việc tập trung giáo dục, tạo điều kiện cũng như trang bị cho các phạm nhân kiến thức về lao động, dạy nghề cho phạm nhân, còn chú động nắm tâm tư nguyện vọng của họ, đảm bảo cho các phạm nhân có đủ điều kiện cơ bản khi trở về địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm đến những người đặc xá, bố trí công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ ổn định cuốc sống trước mắt. Chính vì vậy, qua điều tra, khảo sát của Bộ Công an, trong số những phạm nhân được đặc xá từ năm 2009 – 2011 thì tỷ lệ tái phạm tội là 0,83%.
Từ ngày 30/8, các trại giam trong cả nước sẽ tổ chức đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước, bảo đảm những người được đặc xá sẽ đoàn tụ với gia đình trước ngày Quốc khánh 2/9./.