Ngăn chặn hành vi mua bán người từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ

22/10/2024
Chiều 22/10/2024, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Các đại biểu đều đánh giá cao việc Ban soạn thảo tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về dự án Luật này, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để dự thảo Luật hoàn thiện hơn. Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Bổ sung quy định cấm mua bán bào thai là cần thiết

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; đã thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên gia và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án Luật này. Sau đó, dự thảo Luật đã được hoàn chỉnh gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, hoàn chỉnh.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận.


Đến nay, dự thảo Luật đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan sau khi tiếp thu, chỉnh lý, gồm 8 chương, 65 điều, giảm một điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ trước, bỏ 4 điều, bổ sung 3 điều, chỉnh lý sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều.

Phát biểu về quy định mới được đưa vào dự thảo Luật, đó là nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người và mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ việc ra nước ngoài sinh con bán lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn, vì trong quy định của Bộ luật hình sự chưa có.

 

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) phát biểu tại phiên họp.


“Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 3 nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ” – đại biểu nêu. Đại biểu đề nghị nên bổ sung tại Điều 2 về giải thích từ ngữ thế nào là bào thai để việc triển khai áp dụng trong thực tiễn được thống nhất và thuận lợi.
 

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp.

 

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ tán thành và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan với tinh thần cầu thị đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật đã quy định về hành vi nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. “Theo tôi, đây là một sự ghi nhận tiến bộ, bảo đảm quyền con người, hay nói một cách khác là quá trình hình thành và phát triển một con người. Quy định không chỉ mang tính pháp lý nhằm ngăn chặn hành vi mua bán người từ khi đang trong bụng mẹ mà còn mang tính nhân văn và hơn thế”  - đại biểu nêu quan điểm. Đồng thời, ông cho rằng, các công ước quốc tế và các quy định của nhiều nước cũng như Việt Nam không cho phép mua bán động vật hoang dã, chưa nói đến chuyện bào thai để hình thành một con người.

Hỗ trợ tối đa cho nạn nhân bị mua bán

Nói về việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, dự thảo quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bao gồm nhiều hình thức như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, pháp lý, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu. “Những hỗ trợ này không chỉ giúp nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cần xem xét mở rộng hơn các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình” – đại biểu nêu quan điểm.

 

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá cao các quy định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 

Về hỗ trợ tâm lý, đại biểu đề nghị cần hỗ trợ linh hoạt và kéo dài dựa trên tình trạng thực tế, cụ thể từng nạn nhân vì theo quy định là hỗ trợ không quá 3 tháng là chưa đủ đối với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Về hỗ trợ học văn hóa và học nghề, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các chương trình đào tạo về kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu để đảm bảo nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) thì kiến nghị bổ sung thêm một đối tượng người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam vào Điều 37 của dự thảo luật. Điều 37 của dự thảo Luật quy định chính sách hỗ trợ y tế, tâm lý, pháp lý, văn hóa, việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác, nhưng chỉ cho 2 đối tượng là công dân Việt Nam và người không có quốc tịch Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam. “Căn cứ vào Luật Căn cước đã ban hành cuối năm 2023 đã xác định thêm một đối tượng là người gốc Việt Nam nhưng mà chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, đề nghị cũng nên đưa vào, vì gặp phải đối tượng mua bán người như vậy chúng ta cũng có thể bảo vệ quyền lợi của họ được” – đại biểu nêu.

Tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu nhằm chỉnh lý và hoàn thiện các quy định

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng  Lương Tam Quang khẳng định, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được xây dựng đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn. “Chúng tôi tiếp thu những ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thay mặt cho Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp và có những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm đối với dự án Luật” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Lương Tam Quang tiếp thu ý kiến các đại biểu.


Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu, triệt để tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Từ đó, nhằm chỉnh lý và hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và khả thi, phù hợp với thực tiễn của cuộc sống và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, nhằm đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đề cao việc bảo vệ quyền con người nhằm xây dựng một xã hội an toàn, trật tự và kỷ cương.

Phương Thủy - Lê Hòa
Tin mới
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website