Xung quanh thông tin liên quan đến lãnh đạo Ngân hàng ACB trên các hội nhóm trong những ngày gần đây, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, qua theo dõi Bộ Công an thấy có những thông tin chưa được kiểm chứng. Đây là hiện tượng rất đáng lo ngại, cho thấy văn minh trên không gian mạng đang còn rất nhiều vấn đề. Về mặt pháp lý, theo các quy định hiện nay, hành vi như thế có thể bị xử phạt từ phạt tiền đến xử lý hình sự. Ví dụ như trường hợp bà Nguyễn Thị Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam cũng đã bị xét xử vì hành vi đưa những tin xuyên tạc, sai sự thật.
Liên quan đến vụ việc trên, đến nay, cơ quan Công an chưa nhận được đơn thư của các bên có liên quan. Khi nhận được đơn của các bên có liên quan, theo quy định của pháp luật, lực lượng Công an sẽ xem xét, xử lý. Cần phải nâng cao đạo đức trên không gian mạng để những người trên đó có hành vi, ứng xử văn minh hơn, trung thực hơn.
Bộ Công an đã và đang và tiếp tục thực hiện các công tác sau:
Thứ nhất, tiếp tục thu thập thông tin, nắm tình hình về các hành vi đưa tin không đúng sự thật, không có kiểm chứng, có tính vu khống trên không gian mạng để phát hiện các đối tượng và có kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ hai, với các hành vi vi phạm đã rõ ràng, lực lượng Công an sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật về hành vi vu khống, đặc biệt tác động đến hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, uy tín của các cá nhân, tổ chức. Thực tế vừa qua, Bộ Công an đã làm rất nhiều việc, xử lý nhiều vụ về vấn đề này.
Thứ ba, Bộ Công an cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến giáo dục về quy định pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao ý thức của người dân hơn.
|
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an tại buổi họp báo. |
Về tình hình triển khai ứng dụng VNEID, đồng chí Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, bằng nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng, Bộ Công an đã xây dựng, duy trì được một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "đúng, đủ, sạch, sống". Theo đó, tất cả mọi công dân Việt Nam đều có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu này theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước. Trên cơ sở một nền dữ liệu rất tốt về công dân, Chính phủ ban hành Đề án 06, phát huy cơ sở dữ liệu này trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số; Bộ Công an đã xây dựng, đưa vào sử dụng ứng dụng VNEID. Bản chất đó là hồ sơ điện tử cá nhân của mỗi một con người. Đến nay, đã có hơn 83,5 triệu trường hợp đăng ký tài khoản VNEID (trong đó: đã kích hoạt gần 60,6 triệu trường hợp, chiếm tỷ lệ 69,6%; đăng ký định danh mức 1 là gần 19,8 triệu; đã đăng ký định danh mức 2 là hơn 63,8 triệu trường hợp). Qua hồ sơ điện tử cá nhân này, Bộ Công an đã chỉ đạo và xây dựng rất nhiều nội dung tích hợp vào ứng dụng VNEID:
Thứ nhất, là cập nhật giấy tờ. Hiện nay, ngoài căn cước, đã có giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế cập nhật trên ứng dụng này. Hiện nay, việc sử dụng giấy phép lái xe trên VNEID được coi là tài liệu chính thức, được xuất trình trong quá trình kiểm tra giao thông mà không cần phải mang giấy phép lái xe vật lý nữa.
Thứ hai, là đưa các dịch vụ phục vụ người dân trên hệ thống VNEID. Ví dụ rất rõ ràng là cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hiện nay việc cấp lý lịch tư pháp thay vì phải đến các Sở Tư pháp, người dân có thể dùng VNEID rất nhanh hoặc đăng ký ô tô toàn trình, đăng ký lần đầu cũng được sử dụng trên ứng dụng VNEID. Những lĩnh vực khác như các hoạt động liên quan đến cư trú, đăng ký cư trú, thay đổi cư trú… hoàn toàn có thể thực hiện được trên VNEID. Hiện nay đã có 33 dịch vụ các loại được tích hợp trên VNEID. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là một công cụ, một phương tiện để người dân thực hiện đúng là công dân số.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ đang có hiện nay trên VNEID và tiếp tục mở rộng thêm nữa các tiện ích khác, đảm bảo VNEID ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, thân thiện hơn và sử dụng dễ hơn cho người dân. Đây là chỉ đạo của Chính phủ và cũng là nhiệm vụ rất lớn của Bộ Công an. Tuy nhiên, việc này cần có sự đồng hành rất lớn của các bộ, ngành khác, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý, quy trình và rất nhiều yếu tố khác, đảm bảo các dịch vụ trên VNEID được sử dụng một cách hiệu quả, thuận tiện cho người dân.