Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

25/11/2019
Chiều 25/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Kết quả biểu quyết có 404/446 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (chiếm tỷ lệ 83,64%). Trong đó số các đại biểu tham gia biểu quyết, có 26 đại biểu không tán thành với dự án Luật (chiếm 5,38%); 16 đại biểu không biểu quyết (chiếm 3,31%).

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật.

 

Một trong những điều các đại biểu cho ý kiến, quan tâm biểu quyết trong dự án Luật là về giá trị sử dụng của Thị thực (khoản 2 Điều 1) và khoản 7, điểm b khoản 18 Điều 1. Theo đó, tại khoản 2 Điều 1, dự án Luật đã bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của Thị thực. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật số 47 là “Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích” nhằm tránh tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi thực hiện các mục đích khác gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích Thị thực theo điều kiện rõ ràng như đã thể hiện trong dự thảo Luật. Quy định này phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có đủ điều kiện tiếp tục ở lại Việt Nam chuyển đổi mục đích Thị thực để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư mà không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh. Đây là quy định thể hiện sự thông thoáng, nhưng chặt chẽ trong việc quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam. Với điều kiện quy định như dự thảo Luật sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi mục đích khác, đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Về bổ sung trường hợp được miễn Thị thực “Vào Khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” (khoản 7, điểm b khoản 18 Điều 1), có ý kiến đề nghị đối với 16 Khu kinh tế ven biển ở trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn Thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các Khu kinh tế cửa khẩu (đã được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật số 47) mà không phải kèm theo điều kiện, còn các Khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo thì quy định rõ điều kiện như dự thảo Luật đã quy định.

Kết quả biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nước ta có rất nhiều Khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, nếu tất cả đều miễn Thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng - an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài.

Còn đối với các Khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn Thị thực có điều kiện đối với các Khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định; đồng thời, đề nghị thu hút các điều kiện này từ điểm b khoản 18 về khoản 7 Điều 1 của dự thảo Luật.

*Chiều cùng ngày, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc. 

Trước khi nhấn nút biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT có hiệu lực thi hành đã bộc lộ khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt VK có tính năng, tác dụng tương tự VK quân dụng nên các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xử lý hình sự đối với một số vụ việc vi phạm liên quan đến loại vũ khí này trong thời gian vừa qua. Do đó, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các hành vi này.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 của dự Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc chỉ ra rằng, tại khoản 6 Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 đã quy định về VK có tính năng, tác dụng tương tự (trong đó có VK có tính năng, tác dụng tương tự VK quân dụng). Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý áp dụng quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến VK có tính năng, tác dụng tương tự VK quân dụng thì cần quy định VK có tính năng, tác dụng tương tự VK quân dụng là VK quân dụng. Theo đó, dự thảo Luật đã xây dựng điểm b quy định VK có tính năng, tác dụng tương tự VK quân dụng nằm trong nội hàm của khái niệm VK quân dụng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình. 

Tại Phiên họp toàn thể, các đại biểu Quốc hội đã nhấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT với 427 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 88,41%.

Kết quả biểu quyết dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT.

 

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT quy định VK quân dụng bao gồm: VK được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: Súng cầm tay: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; VK hạng nhẹ: Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; VK hạng nặng: Máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại VK quy định tại điểm này; VK được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ.

Luật sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau: VK có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, VK thô sơ, VK thể thao là VK được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, VK thô sơ, VK thể thao.

Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 như sau: Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục VK quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật này.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website