|
Trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Bộ Công an. |
Thực hiện các chủ trương, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về “Tăng cường công tác tham mưu và lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng CAND”, công tác tham mưu CAND đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn: đã giúp Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chiến lược về an ninh, trật tự; chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh công tác và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết quá trình tổ chức thực hiện. Đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy giải quyết ổn định các vấn đề mới, phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự ở từng thời điểm, lĩnh vực, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông… Các mặt công tác tham mưu thực sự được đổi mới, nhất là công tác tổ chức thông tin đã từng bước được quy trình hóa; công tác xây dựng văn bản thể hiện tính chuyên nghiệp hơn.
Công tác tham mưu ngày càng gắn kết với hoạt động nghiên cứu khoa học, hàm lượng trí tuệ các sản phẩm của công tác tham mưu được nâng lên, sát với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an. Các điều kiện đảm bảo cho công tác tham mưu ngày càng được tăng cường, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin tạo sự đồng bộ hóa công tác tham mưu. Đã xây dựng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến, cổng thông tin điện tử ở Bộ và Công an các đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ huy.
Qua thực tiễn công tác, hệ thống cơ quan tham mưu được củng cố, kiện toàn theo hướng tập trung, chuyên sâu, thống nhất, ngày càng xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, mối quan hệ phối hợp công tác với các đơn vị. Đội ngũ cán bộ tham mưu ngày càng được nâng cao, số có trình độ đại học trở lên chiếm hơn 60%. Cán bộ các cơ quan Tham mưu CAND có phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tâm huyết với công việc; sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy của Công an các cấp.
Công tác đào tạo cán bộ và xây dựng lý luận tham mưu được quan tâm và có nhiều chuyển biến rõ nét. Văn phòng Bộ và Công an các đơn vị, địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ tham mưu cho cán bộ nghiên cứu, biên tập. Bước đầu xây dựng lý luận công tác tham mưu CAND, biên soạn giáo trình, bài giảng tham mưu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các trường CAND.
Những kết quả mà lực lượng Tham mưu CAND đạt được trong những năm qua khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp; sự cố gắng nỗ lực không ngừng của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ lực lượng Tham mưu các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành Công an; đặc biệt là sự giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan tham mưu các bộ, ban, ngành của Trung ương, cơ quan tham mưu của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan tham mưu của Quân đội nhân dân ở các cấp… trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp nghiên cứu dự báo tình hình, tham mưu đề xuất các chủ trương chỉ đạo về lĩnh vực an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND.
Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, công tác tham mưu CAND cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với lực lượng CAND trong đó có các cơ quan Tham mưu, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu CAND. Muốn vậy, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Một là, công tác tham mưu giữ vị trí hết sức quan trọng đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ huy nói riêng và các mặt công tác Công an nói chung. Tham mưu CAND là tham mưu chiến lược và chiến thuật của lực lượng vũ trang chiến đấu, giữ vai trò trung tâm phục vụ hoạt động chỉ huy, chỉ đạo và quản lý, điều hành của lãnh đạo Công an các cấp. Vì vậy, cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong CAND cần quan tâm xây dựng cơ quan tham mưu vững mạnh toàn diện theo hướng: Củng cố về tổ chức, tăng cường quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, nhất là việc yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình, cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy; kiểm tra, thẩm định các chủ trương, quyết định trước khi trình lãnh đạo, chỉ huy ký ban hành.
Hai là, đổi mới các khâu của công tác tham mưu theo hướng nâng tầm trí tuệ và tính chuyên nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến thật sự rõ nét về chất lượng công tác tham mưu. Tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản, tham mưu chiến lược, gắn công tác tham mưu với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Một trong những chức năng chính của cơ quan tham mưu là chuẩn bị cho các công việc trong tương lai, nên sản phẩm tham mưu phải là kết quả tư duy dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn và đặc biệt là công tác dự báo. Do đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô trong CAND.
Tổ chức tốt công tác thông tin; thông tin phải được tập trung vào một đầu mối là cơ quan tham mưu các cấp và phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Công an các đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, thống kê của Bộ. Cơ quan tham mưu các cấp cần xây dựng cơ chế, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài ngành; phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí để thực hiện tốt chức năng phát ngôn, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và của ngành Công an. Bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin và cải tiến chế độ giao ban công tác. Mở rộng quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tham mưu với cơ quan tham mưu, Văn phòng của các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tăng cường hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, biện pháp và mệnh lệnh công tác đã đề ra, kịp thời nắm chắc tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp nổi lên để báo cáo, đề xuất lãnh đạo chỉ đạo giải quyết.
Ba là, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu. Làm tốt công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong cơ quan tham mưu.
Kiện toàn tổ chức cơ quan tham mưu Công an các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan tham mưu, bao gồm cơ quan tham mưu chung, cơ quan tham mưu chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ tham mưu chiến lược, chiến thuật, tham mưu tác chiến. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để Cơ quan tham mưu các đơn vị, địa phương thực sự là trung tâm phục vụ hoạt động lãnh đạo chỉ huy, chỉ đạo, quản lý và điều hành mọi mặt công tác của Công an các đơn vị, địa phương.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu CAND tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật; nhạy bén, chủ động, tư duy sáng tạo; giữ gìn bí mật, tận tụy say mê, trung thực và tâm huyết với công việc. Chỉ đạo tuyển chọn học sinh khá, giỏi ở các học viện, các trường đại học Công an về công tác tại cơ quan tham mưu, bố trí các đồng chí này công tác tại các đơn vị nghiệp vụ Công an địa phương để tiếp cận, nâng cao kiến thức thực tế sau đó rút về làm công tác tham mưu.
Xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy làm công tác tham mưu đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Tiếp tục nghiên cứu chế độ chính sách, đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút tài năng, tôn vinh và phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu.
Bốn là, tập trung nghiên cứu, biên soạn các bài giảng về công tác tham mưu và bổ sung vào chương trình đào tạo trong các trường CAND. Cơ quan tham mưu các cấp cần tạo điều kiện, bố trí để cán bộ tham mưu tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ tại các trường trong và ngoài ngành Công an; tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề để nắm bắt chủ trương của lãnh đạo; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tham mưu cho cán bộ tham mưu các đơn vị, địa phương.
Năm là, củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy, củng cố mạng máy tính nội bộ, hệ thống truyền hình trực tuyến; xây dựng các trung tâm thông tin chỉ huy thực sự là đầu mối tiếp nhận đầy đủ thông tin, phân tích nhanh chóng, chính xác và kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp để xử lý tình hình. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến nâng cao chất lượng công tác tham mưu phục vụ lãnh đạo chỉ huy; xây dựng, nâng cấp hệ thống các phần mềm cơ sở dữ liệu.
Nâng cấp Cổng thông tin điện tử Bộ Công an và các trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương thực sự trở thành đầu mối, một kênh cung cấp thông tin chính thống cho tổ chức, cá nhân và xã hội về lĩnh vực an ninh, trật tự và về hoạt động của lực lượng CAND./.