Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019, trong đó xác định: Công tác bảo đảm TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới...
|
Đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. |
Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm TTATGT là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Về cơ sở khoa học, bảo đảm TTATGT là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy, trạng thái tham gia giao thông có nề nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bản chất của TTATGT là điều chỉnh các hoạt động giao thông "động" liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.
Trên cơ sở đó, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ điều chỉnh về các chính sách: Quy tắc giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các chính sách được điều chỉnh trong Luật hoàn toàn trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với mục tiêu ban hành Luật, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, với Luật của nhiều quốc gia và đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, các cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã thảo luận rất kỹ về phạm vi điều chỉnh của Luật này và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bảo đảm tính khoa học, khách quan, thực tiễn và phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật hiện nay, trong đó một luật điều chỉnh về lĩnh vực trật tự, an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông, một luật điều chỉnh về lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ. Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT phù hợp với Luật về an toàn giao thông của nhiều quốc gia có tính chất tương đồng về văn hóa với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Campuchia...
|
Hướng dẫn về những ưu điểm của hệ thống giám sát giao thông tại Trung tâm quản lý, điều hành giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông. |
Về việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đề xuất này để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay. Công tác quản lý đào tạo và sát hạch Giấy phép lái xe cũng sẽ có nhiều điểm mới, ưu tiên sử dụng công nghệ để quản lý chặt một người từ quá trình đào tạo, sát hạch cho đến khi điều khiển phương tiện trên đường...
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đã trả lời và cung cấp thêm nhiều thông tin nhằm giải đáp những thắc mắc của các cơ quan báo chí liên quan đến nội dung của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đang được dư luận xã hội và người dân quan tâm...