Công an các tỉnh miền Trung tiếp tục giúp dân ứng phó với lũ lụt

22/11/2017
Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, trong 02 ngày 20 và 21/11, các tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to, khiến mực nước các sông lên rất nhanh. Cộng với việc xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện thượng nguồn các con sông khiến vùng hạ du lại chìm trong biển nước. Lực lượng Công an các tỉnh miền Trung đã nhanh chóng được huy động về những vùng bị ngập lũ nặng, vùng nguy cơ sạt lở núi giúp dân đối phó với lũ lụt; sẵn sàng các phương án di dời dân đến nơi an toàn… 

* Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế: Đến chiều 21/11, mực nước các con sông dâng cao do thủy điện xả lũ đã tràn ngập các vùng thấp trũng, khiến 7.689 nhà dân bị ngập sâu từ 0,2 - 0,6m. Ngập lụt khiến 02 người chết và mất tích; chia cắt giao thông nhiều tuyến đường, gây thiệt hại hàng trăm hecta hoa màu vụ Đông Xuân cùng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản… Đáng chú ý, do mưa lớn kéo dài nên tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường bộ Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân sạt lở nhiều điểm.

Sáng 21/11, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Phòng Tham mưu cùng Công an các đơn vị kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn giao thông và cứu hộ, cứu nạn. Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân huy động lực lượng, phương tiện máy ủi, máy xúc, máy đào nhanh chóng giải tỏa đất đá để thông tuyến đường bộ Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân; đồng thời chỉ đạo Trạm Cảnh sát giao thông huyện Phú Lộc tổ chức điều hòa, hướng dẫn giao thông cho người dân đi lại an toàn.

Riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua đèo Hải Vân có 07 điểm sạt lở với số lượng đất, đá sạt lở xuống đường sắt khoảng 350m3. Hiện các đơn vị chức năng đang huy động lực lượng, phương tiện để dọn đất, đá sạt lở cố gắng thông tuyến trở lại vào tối 21/11.

Lực lượng chức năng phối hợp công nhân đường sắt đang khắc phục sự cố sạt lở tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân.


Trước đó, tối 20/11, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phối hợp ngành Đường sắt thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn đoàn tàu SE3 với gần 300 hành khách đang bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô do sự cố sạt lở đất đá trên đèo Hải Vân. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp các đơn vị chức năng đến hiện trường điều hoà hướng dẫn giao thông, đảm bảo an ninh, trật tự cho hành khách yên tâm chờ thông tuyến; đồng thời Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã điều gần 100 công nhân cùng phối hợp với các đơn vị sử dụng phương tiện, máy móc để giải tỏa khoảng 10 tấn đất, đá.

* Tại tỉnh Quảng Trị: Trong 02 ngày 20 và 21/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, khiến mực nước lũ các sông lên rất nhanh. Sáng 21/11, nước sông Ô Lâu tại xã Hải Tân, huyện Hải Lăng đã ở mức xấp xỉ báo động 3; 06 xã vùng thấp lũ, sát sông của huyện này đã bị chìm ngập trong biển nước mênh mông. Ngoài ra, mưa lớn đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường có ngầm, tràn ở khu vực miền núi thuộc huyện Đakrông và Hướng Hóa như tại cầu tràn Ba Lòng, cầu tràn xã A Dơi…

Trước tình hình trên, lực lượng Công an huyện phụ trách xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương cắm biển báo thông báo cho người đi đường không được qua lại các khu vực, đường sá bị ngập nguy hiểm. Đồng thời, sử dụng ghe thuyền vận chuyển nước uống, lương thực vào giúp bà con ở những vùng bị ngập nặng không đi lại được.

* Tại tỉnh Quảng Nam: Trong các ngày 20 và 21/11, mưa to liên tục diễn ra trên diện rộng khiến mực nước các con sông tiếp tục dâng cao, cộng với thủy điện ở thượng lưu xả lũ đã gây ra lũ lụt trở lại đối với vùng hạ du, nhất là hạ du sông Thu Bồn và sông Vu Gia.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã được huy động về cơ sở giúp dân đối phó với lũ lụt, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, ngăn chặn người dân không đi qua các tuyến đường bị ngập lũ đề phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra…

A. Khoa – T.Bình – N. Thi
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website