Tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola

15/08/2014
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình bệnh do vi rút Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) và các giải pháp phòng, chống đến ngày 11/8/2014 như sau:

I. Tình hình dịch bệnh
1. Trên thế giới

Bệnh do vi rút Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Vật chủ tự nhiên của vi rút Ebola có thể là loài dơi ăn quả, đặc biệt các loài của chi Hypsignathus monstrosus, Epomops franqueti và Myonycteris torquata có khả năng lây truyền cho người. Động vật linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh, tuy nó không phải là ổ chứa vi rút song đây là vật chủ nguy hiểm. Vi rút gây bệnh năm 2014 là chủng Zaire ebolavirus, đây là loài gây bệnh nguy hiểm nhất trong 5 chủng vi rút Ebola (Zaire ebolavirus, Bundibugyo ebolavirus, Sudan ebolavirus, Tai Forest ebolavirus, Reston ebolavirus).

Vụ dịch đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 người mắc. Từ sau năm 1976, mặc dù bệnh do vi rút Ebola không gây thành những vụ dịch lớn nhưng các vụ dịch lẻ tẻ vẫn được ghi nhận ở 11 quốc gia vùng châu Phi. Từ tháng 12/2013 đến ngày 01/8/2014, dịch bệnh do vi rút Ebola đã bùng phát trở lại tại 04 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria. Số trường hợp mắc và tử vong do vi rút Ebola tại 04 nước này liên tục gia tăng. Tính đến ngày 06/8/2014, đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 04 nước vùng Tây Phi, gồm Guinea (495 mắc/367 tử vong), Liberia (554 mắc/294 tử vong), Nigieria (13 mắc/2 tử vong) và Sierra Leone (717 mắc/298 tử vong).

Chỉ tính trong 02 ngày từ 5-6/8/2014, thế giới đã ghi nhận thêm 68 trường hợp mắc mới bao gồm 29 trường hợp tử vong cụ thể tại Guinea (4 tử vong), Liberia (38 mắc, 12 tử vong), Nigieria (4 mắc, 1 tử vong), Sierra Leone (26 mắc, 12 tử vong). Đặc biệt vụ dịch lần này ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế đã mắc bệnh do vi rút Ebola là những người đã trực tiếp tham gia vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Ebola tại các quốc gia này.

Hiện bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu; tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. 

2. Đánh giá, nhận định và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới
Trước tình hình trên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp khẩn cấp với Tổng thống các nước Tây Phi và đánh giá rằng đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua, dịch lan truyền nhanh, hiện WHO đã tuyên bố về tình trạng khẩn cấp, cần được cộng đồng quốc tế quan tâm và được ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Ngày 6-7/8/2014, WHO đã triệu tập cuộc họp với sự tham gia của đại diện 4 quốc gia đang có dịch bệnh và Ủy ban về Tình trạng khẩn cấp để đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của vi rút Ebola:

a) Đối với các quốc gia đang có dịch bệnh, WHO khuyến cáo: Người đứng đầu quốc gia cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kích hoạt cơ chế quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp quốc gia. Không để người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đi ra nước ngoài, trừ những trường hợp cần sơ tán và rút công dân về nước (như cán bộ y tế). Thực hiện giám sát, sàng lọc tất cả các hành khách tại các sân bay quốc tế, bến cảng, các cửa khẩu đường bộ chính để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Đối với các trường hợp đã xác định lây nhiễm vi rút Ebola, cần được cách ly và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế và không cho phép đi lại trong nước cũng như quốc tế đến khi xác định âm tính với vi rút Ebola sau 2 lần xét nghiệm. Đối với các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh cũng cần được giám sát hàng ngày và hạn chế đi lại trong nước và quốc tế trong vòng 21 ngày.

b) Đối với các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, WHO khuyến cáo: Các quốc gia cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và khả năng để phát hiện sớm, điều tra và quản lý những trường hợp nhiễm vi rút Ebola cũng như chuẩn bị các điều kiện để sơ tán và rút công dân đã bị phơi nhiễm với vi rút Ebola từ các quốc gia có dịch bệnh về nước. WHO không khuyến cáo áp đặt việc cấm đi lại và giao thương quốc tế; tuy nhiên quốc gia cần đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh. Trước khi đi đến vùng có dịch, vùng có nguy cơ, người dân và du khách cần được cung cấp các thông tin liên quan tới dịch bệnh và các biện pháp phòng hộ nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo mạnh mẽ tất cả các quốc gia cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, huy động tham gia của cộng đồng và phối hợp liên ngành trong việc phát hiện sớm những trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, đồng thời tăng cường đầu tư về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như đẩy mạnh truyền thông để phòng chống dịch bệnh.

3. Nguy cơ lan truyền của vi rút Ebola
Dịch bệnh do vi rút Ebola lây lan nhanh do bản chất nguy hiểm của vi rút Ebola. Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, bệnh được xếp vào nhóm A – tức là nhóm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao.

II. Nhận định tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola và khả năng lây lan vào Việt Nam
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do vi rút Ebola là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%), hiện WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Dịch bệnh có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động tại các quốc gia đang có dịch bệnh và trở về nước. Tại Mỹ đã ghi nhận 3 trường hợp công dân Mỹ làm việc và nhiễm bệnh tại Sierra Leon.

Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola; tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.

III. Hoạt động của Bộ Công an trong phòng, chống dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola vẫn có diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, ngày 09/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1392/CĐ-TTg yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh do vi rút Ebola xâm nhập vào nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/8/2014, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Công điện hỏa tốc số 1196/HT1; đồng thời chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc chỉ đạo khẩn trương triển khai các hoạt động của lực lượng Công an nhân dân phòng, chống bệnh do vi rút Ebola gây ra.

Cùng ngày 11/8/2014, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh do vi rút Ebola của Bộ Công an. 

IV. Những biện pháp để phòng tránh đại dịch Ebola
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): Trong đợt bùng phát dịch hiện nay ở Tây Phi, đa số các ca bệnh ở người là do lây nhiễm từ người sang người, do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm vi rút, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. WHO cũng khuyến cáo bệnh có lây truyền từ động vật bị nhiễm. Đã có hơn 200 nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân Ebola, có thể do họ không sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân, hoặc không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn khi chăm sóc bệnh nhân.

Đã có những ca lây nhiễm vi rút Ebola trong cộng đồng khi tổ chức đám tang và nghi lễ mai táng. Người tiếp xúc trực tiếp với thi thể người bệnh cũng có thể lây truyền bệnh. WHO khuyến cáo việc xử lý thi thể và mai táng nên do các cán bộ quản lý ca bệnh được đào tạo thực hiện đúng cách. Người bệnh có khả năng lây bệnh khi máu và dịch tiết của họ còn chứa vi rút. Nam giới vẫn có thể lây truyền vi rút qua tinh dịch trong 7 tuần sau khi bình phục. Vì thế, họ cần tránh quan hệ tình dục ít nhất là 7 tuần, hoặc phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian 7 tuần sau khi bình phục. Đối tượng có nguy cơ mắc Ebola cao nhất là cán bộ y tế, thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola. Cũng có thể là những người bị suy giảm miễn dịch, những người đã có bệnh, dễ bị cảm nhiễm…

Có thể nhận ra người mắc Ebola với những dấu hiệu: sốt đột ngột, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, xuất huyết nội và ngoại. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng) từ 2 – 21 ngày. Bệnh Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Ebola, nên biện pháp phòng tránh hiện vẫn là duy nhất để giảm số mắc tử vong do Ebola. Cần rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh. Việc tiếp xúc với người mắc bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân và phải rửa tay cũng như khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn. Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm vi rút Ebola như: dơi ăn quả, khỉ hay vượn; không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật cần nấu chín kỹ trước khi ăn. Rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc dung dịch sát khuẩn, theo đúng kỹ thuật. Phải thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng dưới vòi nước khi tay bị bẩn.

Nếu người đã bị phơi nhiễm vi rút Ebola chưa xuất hiện triệu chứng thì không có khả năng lây bệnh. Những người đang đi du lịch mà xuất hiện triệu chứng bệnh Ebola cần phải được cách ly để tránh lây truyền cho người khác. Có thể nguy cơ đối với những người đồng hành trong trường hợp đó là không cao; song cần điều tra ngược lại quá trình tiếp xúc để phân tích đặc điểm dịch tễ đưa ra chẩn đoán thích hợp. Quá trình điều tra những người tiếp xúc là cần thiết./.

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website