Anh hùng Ngô Thị Huệ: Bông hồng thép, huyền thoại giữa đời thường

05/03/2024
Lượt xem: 786
Nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ hiện đã bước qua tuổi 80 và đang sống cùng người chồng, người đồng đội trong căn nhà nhỏ ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Cả một thời tuổi trẻ, chị đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân…
Anh hùng trong chiến đấu…
 
Anh hùng Ngô Thị Huệ, bí danh Minh Hiệp, sinh ngày 20/12/1942 tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Từ những năm 1950, gia đình chị đã là cơ sở nuôi giấu cán bộ cốt cán của phong trào. Sinh ra và lớn lên trong môi trường ấy, chị đã sớm hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng, ý chí căm thù giặc cao độ. Ngày ấy, dù mới hơn 10 tuổi nhưng chị đã rất hăng hái trong những nhiệm vụ được giao như rải truyền đơn, canh gác để báo tin hoạt động của địch cho cơ sở.
 
Những ngày đầu tiên trong cuộc đời chị đến với phong trào cách mạng ở quê hương mình, cũng là thời điểm mà kẻ thù thực hiện chính sách “tố cộng và diệt cộng” rầm rộ nhất. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã sa vào tay giặc, có người bị tra tấn hết sức dã man, có người bị địch hành hạ cho đến chết. Cha chị cũng bị địch bắt, bị bỏ tù và tra tấn đến mù lòa, chúng mới trả tự do.
 
Năm 1959, địch bắt đầu thực hiện chính sách lập ấp chiến lược để dễ bề thi hành Luật 10/59, chị theo gia đình vào khu dồn dân. Trong thời gian này, được sự chỉ đạo của cấp trên, chị đã tương kế tựu kế điều nghiên tình hình và quy luật đi lại của những đối tượng chức sắc và ác ôn ở địa phương. Nhận chỉ thị của anh Ba Thế - Đội trưởng Đội Công tác Huyện ủy Hòa Vang, chị đã bố trí để những trinh sát của Đội thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các đối tượng ác ôn là ấp trưởng, xã trưởng và liên gia trưởng như tên Toán, tên Lai, tên Lý, làm cho địch hết sức hoang mang. Mặt khác, chị cũng móc nối với những người có tấm lòng với cách mạng ở trong hàng ngũ địch, từ đó phát hiện ra vị trí địch cài mìn, lựu đạn giúp Đội Công tác vào ra ấp chiến lược an toàn tuyệt đối để vận động quần chúng. 
 
Nữ điệp báo Ngô Thị Huệ trong lần giáp mặt với kẻ thù khi đem tài liệu vào cho đồng chí Nguyễn Cam, Phó Ban An ninh Quảng Đà lúc này trong vai cố vấn cho Trần Đăng Sơn, trùm Quốc dân Đảng.
 
 
Đầu năm 1960, trong một lần nhận nhiệm vụ trèo lên cây Cốc rất cao để treo cờ của Mặt trận, chị bị địch phát hiện và bắt giữ. Tại nhà lao Hiếu Đức, chị bị địch hành hạ, tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, chúng bèn giải chị đến nhà lao Hội An (Quảng Nam) để “nếm trải” những kiểu tra tấn dã man và hiện đại nhất hòng buộc chị phải khai ra những người trong Đội Công tác và các cơ sở cách mạng ở địa phương nhưng chúng đã bất lực trước sự kiên trung của người con gái chưa đến tuổi 20. 
 
Sau hơn 6 tháng bị giam cầm, tra tấn, sức khỏe của chị càng ngày càng sa sút, rồi chị ngã quỵ, bị liệt toàn thân. Thấy vậy, địch lại thả chị ra để chị được tự do trở về quê hương. Về với gia đình, chị được cha và các anh, các chị chăm sóc, các cơ sở của ta đóng góp tiền bạc để chạy chữa thuốc thang để chị chóng khỏe lại…
 
Từ đội công tác Đà Nẵng, chị chuyển qua làm điệp viên của Ban An ninh Quảng Đà, lấy bí danh Minh Hiệp, vừa trực tiếp vào ra nội thành móc nối, khai thác tin tức; vừa đào tạo mạng lưới điệp viên với hàng chục cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch. Trước thềm Xuân 1968, chuẩn bị cho Tổng tấn công Mậu Thân, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đặc Khu ủy và Ban An ninh Quảng Đà đã vào nội thành Đà Nẵng nắm tình hình, chỉ đạo chiến dịch. Trưởng Ban Võ Bá Huân giao nhiệm vụ cho chị đem tài liệu vào cho đồng chí Nguyễn Cam, Phó Ban An ninh Quảng Đà lúc này trong vai cố vấn cho Trần Đăng Sơn, trùm Quốc dân Đảng tại trụ sở ở số 30 Nguyễn Du. 
 
Kỷ niệm mà chị không bao giờ quên, đó là trên quãng đường từ căn cứ đến trụ sở 30 Nguyễn Du, khi đi qua đoạn đường Ông Ích Khiêm, chị gặp phải tình huống hết sức bất ngờ khi phát hiện có hai chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, trói lại và giải về ty Công an. Đi song song với địch, mặc dù rất xót xa khi phải chứng kiến cảnh đồng đội bị dẫn giải, nhưng chị vẫn cố nén lại cảm xúc như không có chuyện gì xảy ra để khỏi bị nghi ngờ. 
 
Những kỷ vật thời kỳ hoạt động điệp báo của anh hùng Ngô Thị Huệ.
 

Đến trụ sở Quốc dân Đảng, tên lính gác tỏ ra ngoan cố không cho vào, chị vừa dùng mỹ nhân kế, vừa đút lót tiền mới có thể lọt vào bên trong. Gặp đồng chí Nguyễn Cam, chị mời thuốc lá và trao điếu thuốc có tài liệu cho thủ trưởng. Ông khẽ truyền miệng lệnh cho chị và đưa tờ báo với chỉ thị đã được viết bằng mực hóa học trên đó. Ra về, chị xé tờ báo phía trên cho rách, mua kẹo bánh gói vào để địch không nghi ngờ. Chị đến nhà cơ sở khác thay quần áo, tìm đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu ủy báo cáo tình hình, gặp mạng lưới điệp báo giao nhiệm vụ, sau đó mới về lại Gò Nổi. 
 
Đầu năm 1969, trong một lần đưa cán bộ đi về, bị địch ném bom, không may chị bị mảnh bom găm vào đầu, do vết thương quá nặng, chị được tổ chức đưa ra Bắc chữa trị. Hai anh trai hy sinh, cha cũng mất vì vết thương tái phát, nỗi đau tinh thần cùng di chứng mảnh bom hành hạ làm chị liên tục lên cơn động kinh. Một lần, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đến bệnh viện E thăm, đã xúc động nhận chị làm con nuôi. Từ năm 1971, chị được điều động về công tác tại Bộ Công an cho đến năm 1975 thì trở về quê hương Đà Nẵng.
 
Bình dị giữa đời thường!
 
Nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ hiện đã bước qua tuổi 80 và đang sống cùng người chồng, người đồng đội trong căn nhà nhỏ ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Cả một thời tuổi trẻ, chị đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Đối mặt với kẻ thù, chị là một nữ anh hùng, không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thế nhưng đời thường của chị lại đầy sóng gió và xen lẫn nhiều kỷ niệm buồn vui… 
 
Những ngày bị bắt giam và tra tấn tại nhà lao Hiếu Đức, chị quen biết với một nữ tù, cũng là nữ cách mạng kiên trung. Cảm mến tấm lòng của nhau, hai người đã trở nên thân thiết như chị em ruột thịt. Một thời gian sau, chị được chuyển đến nhà lao Hội An nên hai chị em bặt tin, cho đến khi ra Hà Nội điều trị vết thương do mảnh bom để lại, như sự sắp đặt sẵn của số phận, hai chị em gặp lại nhau khi cùng điều trị trên giường bệnh. Thời gian này, nữ bạn tù của chị đã có người yêu, là anh Trần Viết Trí (SN 1936). Anh Trí lúc bấy giờ cũng tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ, đến thời điểm này, anh được điều chuyển về Ban thống nhất ở Hà Nội, sau làm Giám đốc Bệnh viện E22, nên thường xuyên đến chăm sóc người yêu. Biết hoàn cảnh của chị Huệ, anh Trí cảm thông nên thường xuyên động viên, chăm sóc.
 
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng ân cần thăm hỏi, động viên Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ trong một lần gặp mặt.
 
 
Ngày anh Trí tổ chức đám cưới với người yêu, chị đã đến dự và chúc phúc. Sau này, khi vợ chồng bạn có hai cậu con trai, mỗi lần có dịp, chị cũng ghé qua, thăm hỏi đỡ đần. Sau giải phóng, anh Trần Viết Trí vào Đà Nẵng làm việc tại Ban tổ chức Thành ủy, cũng thời điểm này, anh phải đón nhận nỗi đau đớn tột cùng khi vợ anh đột ngột qua đời. Thời gian cũng nguôi ngoai dần, khi 2 con của anh Trí một lên 9 tuổi, một lên 10 tuổi nhưng không bàn tay người mẹ chăm sóc, chị thương vô cùng nên đã tự nguyện đỡ đần hai đứa. Vượt qua những rào cản gia đình và xã hội lúc bấy giờ, anh chị chính thức nên nghĩa vợ chồng.
 
Lấy chồng rồi, chị mới đau đớn biết một sự thật: Do những lần bị tra tấn dã man của kẻ thù, chị đã mất đi khả năng sinh nở. Không còn thiên chức của một người mẹ, chị dồn tất cả tình yêu cho hai đứa con riêng của chồng, cũng bởi vậy mà khoảng cách giữa “mẹ ghẻ con chồng” vốn tồn tại cố hữu trong xã hội lâu nay, đã bị xóa bỏ. Chị coi hai đứa như con đẻ, hai con cũng coi chị như mẹ ruột của mình. Đến nay, cả hai người con đã trưởng thành và có công việc ổn định, mỗi người sinh cho ông bà hai cháu nội xinh xắn, để rồi mỗi dịp cuối tuần, căn nhà nhỏ của hai vợ chồng lại ngập tràn tiếng cười trẻ thơ…
 
Từ nhiều năm nay, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu dần, cả hai vợ chồng đều là thương binh nặng, nhưng mỗi lần có cơ hội, chị đều tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, nhất là trong lực lượng Công an. Ở khu dân cư, mọi sinh hoạt đều được miễn song hai vợ chồng chị luôn đi đầu trong các phong trào của khu phố. Chính cốt cách và tấm lòng ấy của nữ Anh hùng, đã biến chị trở thành tượng đài cao cả, là bông hoa lấp lánh giữa đời thường.
 
Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, chị đã tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt được 8 tên ác ôn có nhiều nợ máu với Nhân dân và phong trào cách mạng. Chị đã xây dựng được 27 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở làm việc trong hàng ngũ địch, 2 cơ sở là đồng bào Công giáo và 13 cơ sở hoạt động ở nội thành. Với những đóng góp đó, chị đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương và danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Đặc biệt, ngày 29/8/1985, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 
Doãn Hùng - Nguyễn Dịu
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website