Ở tuổi 75, mang trên mình 9 vết thương, mất đi 92% sức khỏe, cánh tay phải không còn, bàn tay trái cũng bị thương, nhưng mỗi lần ông và những đồng đội được trở về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại nghĩa trang nơi có những đồng đội của ông yên nghỉ là 1 lần hành trình ngược về miền kí ức chiến tranh. Ở đây, ông gặp lại những đồng chí anh em một thời đồng cam cộng khổ. Họ đã hóa thân vào lòng đất Mẹ, hóa thân thành những bông sen Đồng Tháp.
Kí ức về đồng đội, về chiến tranh của cựu sĩ quan an ninh đoàn 180 ngày ấy, hôm nay bỗng lung linh sống động. Hơn 12 năm trực tiếp tham gia đánh Mỹ, Đoàn Phước Truyền và đồng đội đã lập được rất nhiều kỳ tích.
 |
Anh hùng LLVTND Đoàn Phước Truyền. |
Dưới tán rừng Chàng Riệc ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, qua hồi ức của anh hùng Đoàn Phước Truyền, tôi có thể cảm nhận mỗi mái lá trung quân, mỗi vòm lá cây dầu, cây sao trên đất này đều ẩn chứa biết bao câu chuyện, bao huyền thoại của một thời công tác sôi nổi và chiến đấu anh dũng của ông cùng các chiến sĩ Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam trong gần 20 năm vững vàng bám trụ, bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương cục, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh.
Sinh năm 1947, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở một vùng quê nghèo - xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Bố của anh hùng Đoàn Phước Truyền từng tham gia 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ và mất khi ông mới hơn 10 tuổi; ông có 8 người anh em ruột, trong đó có 4 người là liệt sĩ và 1 người em là cơ sở cách mạng từng bị địch bắt tù đày. Mẹ ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”… Sớm phải sống trong cảnh mồ côi, chứng kiến cảnh địch xây đồn bốt, dồn dân vào ấp chiến lược, mở nhiều chiến dịch càn quét, bắt bớ, tra tấn cán bộ, du kích dã man, những người ruột thịt bị bắn giết, tù đày… Nỗi hờn căm kẻ thù tột bậc cùng với những tấm gương trong gia đình - đó chính là sức mạnh, là động lực tinh thần để chàng thanh niên Đoàn Phước Truyền sớm đi theo cách mạng.
Năm 1963, mới 16 tuổi, Đoàn Phước Truyền làm giao liên, nắm tình hình địch, chuyển tài liệu, rải truyền đơn tại xã Tân Mỹ. Sau đó, ông thoát li gia đình, vào bộ đội địa phương của huyện Lấp Vò. Một năm sau, ông được Tỉnh ủy Vĩnh Long cử đi học báo vụ ở R- căn cứ cách mạng miền Đông Nam Bộ. Chuyến đi ấy, bị địch phục kích, đánh bom, nên ông không kịp nhập học và phải đợi năm sau. Vào thời điểm đó, Đoàn 70 An ninh vũ trang miền thành lập. Ông xin ra nhập Đoàn 70 để được trực tiếp cầm súng chiến đấu. Tháng 6/1965, ông được biên chế vào C1, D3, Đoàn 70, là lực lượng bảo vệ khu vực vòng ngoài của Trung ương Cục. Đến 3/1968 Đoàn 70 đổi phiên hiệu thành Đoàn 180 An ninh vũ trang miền - lực lượng trực tiếp bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ và là tiền thân của Phòng 180 (Phòng Cảnh vệ miền Nam), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Từ tháng 6/1963 đến tháng 4/1975, chiến sĩ Đoàn Phước Truyền đã tham gia chiến đấu trên 25 trận, diệt 22 tên địch, bắn cháy và chỉ huy tiểu đội gài mìn phá hủy 4 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng của Mỹ. Ông được Đảng, Nhà nước và Quân đội 5 lần phong tặng Huân chương các loại; 3 Huy chương chiến sĩ vẻ vang, 4 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt xe tăng, Dũng sỹ Quyết thắng; nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, được tặng thưởng 32 Bằng khen và Giấy khen… Đoàn Phước Truyền là 1 trong 7 cá nhân của Bộ Tư lệnh cảnh vệ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Phước Truyền cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ thăm quan Nhà truyền thống lực lượng an ninh vũ trang miền Nam tại Tây Ninh. |
Đi giữa miền ký ức hôm qua, người cựu sĩ quan an ninh đã ở độ tuổi “thất thập” vẫn nhớ như in những tháng ngày cam go, ác liệt. Tuổi thanh xuân của ông gắn liền với cây súng thép và những trận đánh ở miền Đông Nam bộ. Đó là những trận Trảng Trà Chúc, Bàu Đưng, Trảng Ba Châu, Thiện Ngôn, quốc lộ 22 Xa Mát; là những Suối Mây, Trảng Bò, Trảng Tre; Trại Bí; trận bắn máy bay Mĩ lên thẳng ở Trảng Dài và Chi khu Mỏ Công, Cao Xá… Thời đó, Đoàn Phước Truyền trong số những người lính trẻ nhất của đơn vị, luôn xông pha vào những nơi cam go nhất; năng nổ, mưu trí, dũng cảm, dám đương đầu với hiểm nguy, không quản ngại hi sinh. Và cái tên Đoàn Phước Truyền đã nổi tiếng ở đoàn 180, ở vùng rừng miền Đông Nam Bộ, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Năm 1966, Tiểu đoàn 3, đoàn 180 được cấp 4 khẩu B40 - là loại vũ khí mới chống tăng. Cả đơn vị dấy lên phong trào “Tìm diệt xe tăng địch”. Đoàn Phước Truyền là người đầu tiên dùng B40 bắn cháy xe tăng Mỹ. Chiến công đó đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị.
Mùa khô 1966-1967, để thay đổi cục diện chiến tranh, đế quốc Mỹ mở trận càn Jantion City. Địch huy động 45 nghìn quân gồm: 26 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn công binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 306 khẩu pháo hạng nặng, 1.300 chiếc tăng thiết giáp, 9 phi đoàn máy bay oanh tạc gồm 462 chiếc; 3 phi đoàn máy bay vận tải. Quân đội Việt Nam Cộng hòa huy động 1 chiến đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn biệt động, 12 đại đội biệt kích... đánh vào căn cứ Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh, hòng triệt phá căn cứ kháng chiến, tiêu diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục và các đơn vị quân chủ lực giải phóng miền Nam. Đơn vị của Đoàn Phước Truyền có nhiệm vụ cơ động chiến đấu trong toàn khu căn cứ R, đã bẻ gẫy nhiều đợt tấn công quy mô lớn và vô cùng ác liệt của kẻ thù.
Anh hùng Đoàn Phước Truyền kể: “Trong trận càn Juntion City, quân Mỹ, ngụy dùng hàng trăm xe tăng xuyên rừng đánh sâu vào căn cứ cơ quan Trung ương Cục. Bình thường để diệt xe tăng an toàn nhất thì đứng cách khoảng 35 đến 40 mét. Để chắc ăn, tôi đã áp sát cách khoảng 10 mét nổ súng, chiếc tăng bốc cháy, khói lửa mù mịt. Đoàn xe của địch khựng lại, tập trung hỏa lực bắn xối xả về phía tổ chiến đấu của tôi. Đây cũng là lần đầu tiên Đoàn 180 tiêu diệt được xe tăng Mỹ.
Trước khi bắn, tôi có dặn anh em là nếu tôi hy sinh thì phải lấy bằng được khẩu B40 để có vũ khí tiếp tục chiến đấu, bởi đây là hỏa lực mạnh duy nhất mà chúng tôi có để đánh chặn được xe tăng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình hy sinh rồi thì thôi, chứ nếu mất súng thì anh em không còn gì để chống được xe tăng, thế thì thiệt hại lớn lắm, nếu thế thì khó mà bảo vệ được căn cứ cách mạng…”.
Tháng 7/1968, địch huy động lực lượng lớn tiến hành xây dựng khu căn cứ Thiện Ngôn, nằm sâu trong khu căn cứ Trung ương Cục, cho biệt kích ngày đêm đánh phá căn cứ của ta. Chủ trương của Đoàn 180 là bám đánh, tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ căn cứ. Trong một lần đánh trực tiếp, chiến sĩ Đoàn Phước Truyền bị một trái pháo nổ làm đứt gần hết cánh tay phải.
“Địch dùng pháo các loại kết hợp với máy bay phản lực bỏ bom hủy diệt trận địa. Trong lúc chiến đấu, tôi bị một trái pháo nổ làm đứt gần hết cánh tay phải. Thấy không thể giữ lại được cánh tay, tôi bảo y tá dùng kéo cắt bỏ cánh tay bị thương để khỏi vướng cây rừng và tiếp tục chiến đấu. Tôi điều đơn vị ra khỏi tầm pháo của địch rồi sau đó do mất nhiều máu, tôi đã bị ngất”… Đại tá Đoàn Phước Truyền chia sẻ.
Phải cắt bỏ cánh tay khi mới 21 tuổi. Ở tuổi đôi mươi đang còn hừng hực sức xuân với mong muốn được trực tiếp chiến đấu nhưng lại không thể cầm được súng; mọi công việc, sinh hoạt đời thường rất khó khăn. Với chàng thanh niên Đoàn Phước Truyền, mọi thứ tưởng chừng như chấm dứt; thất vọng, buồn và hẫng hụt…
Thế nhưng không được trực tiếp cầm súng chiến đấu, Đoàn Phước Truyền chuyển về làm chính trị viên Phó Đội 1 thuộc Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam. Tháng 4/1981, vì điều kiện sức khỏe, ông xin chuyển ngành sang làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ở đó, ông đã gặp người con gái cảm mến nghị lực phi thường và dành cho ông một tình yêu vô bờ bến. Và họ đã có 1 mái ấm gia đình hạnh phúc. Thanh Bình là cái tên mà ông bà đã chọn đặt cho người con trai đầu lòng, thể hiện ước mơ, khát vọng của riêng mình cũng như của nhiều thế hệ người dân nước Việt.
50 năm qua, người cựu binh già Đoàn Phước Truyền luôn đau đáu và trăn trở. Ông tâm niệm: “Mình là người may mắn hơn nhiều đồng đội không còn có cơ hội trở về, còn được hưởng niềm vui thống nhất…”. Nỗi đau đáu và tâm nguyện của ông là mong muốn tìm được thi hài của hơn 80 liệt sĩ của Đoàn 180 An ninh vũ trang Miền Nam vẫn còn nằm đâu đó trên mảnh đất Tây Ninh, chưa được về với quê hương, đất Mẹ. Bao năm qua, ông vẫn mong muốn đi tìm hài cốt những người bạn chiến đấu của mình ở những góc đất, bìa rừng, bờ sông, khe suối.
Khép lại chuyến hành trình về nguồn, tôi cũng như bao cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ hôm nay, những người được sinh ra trong thời bình mới hiểu sâu sắc vì sao dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam vẫn mãi trường tồn, vì có những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ dám dũng cảm dấn thân, một đời nguyện sống và hy sinh vì lý tưởng. Hiểu điều đó, chúng tôi càng trân trọng thế hệ cha anh đi trước, những người luôn biết sống vì đồng loại, dám buông xả lợi ích cá nhân, trọn vẹn một niềm vì Tổ quốc, Nhân dân “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”./.