Người “bắt hổ” giữa lòng Hà Nội

02/07/2012
Hà Nội từ lâu là “trung tâm” tiêu thụ và trung chuyển lậu các loại động, thực vật quý hiếm. Thế nên, dù chẳng có rừng thiêng, nước độc, những trinh sát của Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội, trong đó, có Thượng úy Trần Thanh Hưng, vẫn liên tiếp lập công, khám phá nhiều chuyên án lớn về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Từng tham gia nhiều chuyên án liên quan tới buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm nhưng Thượng úy Trần Thanh Hưng nhớ nhất vụ bóc gỡ đường dây mua bán động vật hoang dã do Nguyễn Thế Giới và vợ là Nguyễn Thùy Dung cầm đầu. Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ tại nhà đối tượng Giới số tang vật gồm 9 bộ xương hổ nặng 124kg; 2 bộ xương báo nặng 21kg; 136 xương bánh chè hổ; 2 ngà voi; 352 miếng cao động vật nặng 29kg; 560 chiếc mật động vật nặng 79kg; 731kg xương động vật các loại như báo hoa, mèo rừng, sơn dương… Đây được đánh giá là vụ buôn bán động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc được khám phá.

Thượng úy Hưng cho biết tất cả đều thẩm lậu từ một số nước lân cận vào Việt Nam. Vì giá trị món hàng xương hổ rất lớn nên thủ đoạn của những kẻ buôn lậu đặc biệt tinh vi, rất khó phát hiện. Thêm nữa, nếu là con hổ đông lạnh thì quá dễ để xác định, đằng này, lại là bộ xương động vật, phải qua giám định của cơ quan chức năng mới khẳng định được chắc chắn là xương hổ... Thế nên, chuyện phải “nằm vùng”, đeo bám đối tượng hàng tuần liền ở các tỉnh xa hết sức bình thường”.
 

Thượng úy Trần Thanh Hưng đã tham gia phá vụ án buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất từ trước tới nay.



Cũng lọc lõi không kém đám người chuyên nấu cao hổ là những đối tượng buôn gỗ lậu. Nhớ lại những vụ truy bắt loại tội phạm này, Thượng úy Hưng kể: “Chúng tôi nhiều khi phải bám theo đối tượng 14-15km trong rừng vào ban đêm. Vì đối tượng chở gỗ lậu thường rất cảnh giác, trên cả hành trình gần 300km, cứ đi một đoạn chừng 30km, chúng lại dừng xe để nghe ngóng, nên nhiều đoạn anh em không dám bật đèn xe, chỉ lặng lẽ bám theo. Có lúc, vì chúng quá cẩn trọng, xe trinh sát buộc vượt qua, tạm nghỉ ở một quán nước ven đường thì bất chợt đám buôn gỗ lậu cũng dừng đúng điểm đó. Đối tượng cũng vào và ngồi uống nước ngay ở bên cạnh. Tới lúc bị bắt, đối tượng còn ớ ra: “Trông các anh quen lắm, không biết đã gặp ở đâu rồi”.

Hà Nội đâu chỉ “nóng” về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, hàng loạt lĩnh vực môi trường, đô thị khác cũng rất bức xúc. Thượng úy Hưng và đồng đội cũng đã tiến hành điều tra, phát hiện rất nhiều vụ việc đổ trộm phế thải nguy hại. Điều băn khoăn của anh là với hệ thống pháp luật hiện tại, dù việc điều tra, xác minh hành vi vi phạm của các đối tượng rất khó khăn nhưng đa số vụ việc xâm hại môi trường mới dừng ở mức xử phạt hành chính. Anh nói: “Có đối tượng do ý thức kém nhưng cũng nhiều đối tượng cố tình vi phạm. Vụ vi phạm bị phạt hành chính lớn nhất do chúng tôi phát hiện tới nay với số tiền phạt trên 300 triệu đồng. Đây là số tiền lớn nhưng tính răn đe vẫn không thể bằng việc xử lý hình sự...”.

Từng là cảnh sát khu vực phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), rồi Cảnh sát cơ động 113 và giờ là trinh sát Phòng Cảnh sát môi  trường, Thượng úy Hưng đã có trong tay rất nhiều danh hiệu. Chỉ trong năm 2011, anh được chọn là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu Thủ đô, được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen, 3 Giấy khen của Giám đốc CATP... Thế nhưng, anh cho biết vẫn còn thiếu một thứ giấy tờ rất quan trọng là... Giấy đăng ký kết hôn. Mải mê công việc, sinh năm 1980, Thượng úy Hưng, người con trai ở phố Hàng Bông (Hà Nội) tới nay vẫn chưa lập gia đình. Hỏi mấy lần, anh chỉ cười: “Nhiệm vụ này khó hơn đánh án nhiều lắm. Với lại công việc cũng bận rộn, ngồi với phóng viên mấy phút rồi tôi lại đi Nghệ An ngay đây...”.
 

Chính Trung
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website