“Người gieo mầm thiện”

20/11/2019
“Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” - câu tục ngữ quen thuộc thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp được hun đúc từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Và, khi đã quen với hình ảnh người giáo viên trên bục giảng, trao kiến thức cho bao cô cậu học trò nhỏ là những mầm xanh của đất nước, thì khi được nghe kể về câu chuyện dạy chữ, dạy nghề, dạy cách phục thiện của các cán bộ quản giáo tại Trại giam Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho những phạm nhân, sẽ khiến chúng ta càng tò mò về những “giáo viên” vô cùng đặc biệt này.
Cán bộ trực dạy Trại giam Định Thành hướng dẫn phạm nhân rèn chữ.


Những năm qua, lực lượng Cảnh sát Trại giam Định Thành đã không ngừng phấn đấu xây dựng và trưởng thành, vượt qua bao khó khăn thử thách để những phạm nhân mang chấm đen trong quá khứ được trở về hòa nhập với cộng đồng. Năm 2019, Trại giam Định Thành quản lý hơn 1.800 phạm nhân, trong đó công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tá Dương Văn Long, Phó Giám thị Trại giam Định Thành cho biết: “Về công tác dạy văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân, đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Thoại Sơn, Trường Tiểu học B Vĩnh Khánh dạy lớp xóa mù mức I, II, III theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo cho các phạm nhân mới nhập trại chưa biết chữ; thường xuyên phối, kết hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm và Trường Cao đẳng nghề An Giang mở các lớp nghề như điện dân dụng, may công nghiệp”.

Cuối căn buồng giam tại phân trại số 2 Trại giam Định Thành, thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ thân hình nhỏ nhắn tập trung vào công việc của mình. Gia đình khó khăn lại không biết chữ, vì một phút không kìm được lòng tham, người phụ nữ này đã vướng vào vòng lao lý vì tội trộm cắp tài sản, bỏ lại 6 đứa con thơ tại quê nhà. Những ngày đầu vào Trại, chị nhớ con nhưng lại không biết làm cách nào để tỏ hết nỗi lòng của mình, vậy mà nay, một bức thư với những lời tâm sự dài lại được viết bởi đôi tay đã thô ráp, chai sần theo năm tháng. Phạm nhân Trần Thị Hồng Oanh tâm sự: “Mình thì lớn tuổi rồi học cũng hơi ngại, nhưng cán bộ nói ráng học đi, để về biết chữ với người ta, bởi vậy cũng ráng, giờ mới có thể viết được thư gửi về cho gia đình”.

Hướng dẫn kỹ thuật may cho phạm nhân.
Lớp học giáo dục đạo đức, giáo dục công dân cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.


Những đôi tay nắn nót từng nét chữ, những ánh mắt tập trung theo từng lời giảng, tại lớp học xóa mù chữ của Trại giam Định Thành luôn vang tiếng ê a đánh vần của nhiều phạm nhân trước đó chưa từng biết đọc, biết viết. Các “học trò” với đủ lứa tuổi say sưa dõi theo người “giáo viên” mang quân hàm đỏ. Các cán bộ tại đây không được đào tạo bài bản về nghề giáo, nhưng họ đang dùng hết cái tâm của mình để truyền con chữ, cố gắng cho phạm nhân tiếp cận được bước đệm quan trọng trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Xuất phát từ sự chân thành đó, nên khi nhìn những nét chữ ngả nghiêng, vụng về được viết bởi đôi tay của những người từng gây nhiều sai trái, chúng ta hiểu được đây là sự nỗ lực của những người trót lầm lỡ, khát khao một ngày trở về với tương lai tươi sáng. Trung úy Đinh Ngô Huyền Trang, cán bộ trực dạy tại Trại giam Định Thành cho biết: ”Khi phạm nhân biết chữ, việc đầu tiên họ sẽ tự ký được tên của mình vào các văn bản khi đang chấp hành án, thứ hai nữa là họ sẽ biết được các nội quy của trại giam. Bên cạnh đó, có thể lên mượn sách báo để đọc nâng cao thêm hiểu biết của mình và đặc biệt biết thêm những chế độ, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước dành cho các anh, chị có cải tạo từ khá tốt trở lên”.

Đồng chí La Hồng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang; Thượng tá Huỳnh Trí Thương, Giám thị Trại giam Định Thành trao quyết định tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân.


Tại các phân trại đang hoạt động xây dựng và sản xuất, bên cạnh việc tổ chức các lớp dạy nghề, phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho phạm nhân, hằng ngày các cán bộ vẫn hướng dẫn phạm nhân làm việc bằng những kinh nghiệm bản thân tích lũy được sau bao năm công tác, hy vọng phạm nhân có được kỹ năng, hành trang tốt nhất trên con đường hướng thiện. Từ đó các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam ngày ngày nâng cao tay nghề thông qua những buổi lao động sản xuất, mở ra tương lai tốt đẹp khi có một việc làm ổn định mai sau. Thiếu úy Ngô Thị Thu Thảo, cán bộ quản giáo, Trại Giam Định Thành cho biết: “Khi phạm nhân được đưa vào trại, căn cứ vào tình hình sức khỏe, độ tuổi cũng như hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của từng phạm nhân mà Ban Giám thị Trại sẽ bố trí cho theo học ngành nghề phù hợp với bản thân của mình. Bản thân cán bộ phải nắm vững những kỹ thuật của ngành nghề mà mình đang hướng dẫn cho phạm nhân, nắm rõ tâm lý, sức khỏe, độ tuổi và từng hoàn cảnh cũng như tay nghề của từng phạm nhân để mình hướng dẫn, giáo dục, cảm hóa giúp họ lao động đạt năng suất chất lượng, và điều quan trọng nhất là chính mỗi phạm nhân sẽ học được ngành nghề ổn định mai sau”. Như những cơ sở tạm giam và trại giam khác trực thuộc Bộ Công an, việc tổ chức giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề là một trong những yếu tố quan trọng được Ban Giám thị Trại giam Định Thành lưu tâm. Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện, khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình. Đặc biệt trong quá trình học nghề đã mang lại niềm vui, hy vọng, giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh, giá trị của bản thân, hiểu được tầm quan trọng khi có được việc làm ổn định trên con đường tìm lại cuộc đời.

Phạm nhân giao lưu và đọc sách tại Trại giam Định Thành.

 

Mang trách nhiệm là những người “giáo viên” làm công tác giáo dục tâm lý, tư tưởng, công việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ với những thử thách đầy khó khăn. Nhưng với phẩm chất tốt đẹp của mình, lực lượng Cảnh sát Trại giam Định Thành vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, xây dựng tập thể vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho những người phạm tội. Thông qua những lớp học giáo dục tư tưởng, các bài giảng về nội quy, quyền và nghĩa vụ của công dân cho phạm nhân, các cán bộ luôn cố gắng nắm bắt được tâm lý nhằm truyền đạt nhận thức và tư tưởng đúng đắn đến phạm nhân, giúp họ hình thành nhân cách, thói quen theo chuẩn mực đạo đức xã hội.
 

 

Quỳnh Như – Tiến Tầm
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website