Trong số đó có nhiều gương mặt trẻ luôn sẵn sàng hiến máu và tích cực đăng ký tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu, nổi bật như:
Thiếu úy Phạm Văn Chung, Phòng Công tác Chính trị, Cục Tham mưu Chính trị CAND, Tổng cục III.
Thiếu úy Phạm Văn Chung với 24 lần hiến máu tình nguyện, mỗi năm hiến máu từ 4 – 5 lần.
|
Thiếu úy Phạm Văn Chung, Phòng Công tác Chính trị, Cục Tham mưu Chính trị CAND, Tổng cục III. |
Năm 2015, Chung tham gia làm Trưởng điều phối viên Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo Hà Nội trực tiếp tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Công việc chính của anh là điều phối tình nguyện viên, trực tiếp tuyên truyền công tác hiến máu nhân đạo trên địa bàn TP. Hà Nội, giải thích một số câu hỏi thường gặp với các bạn trẻ tham gia hiến máu tình nguyện, đặc biệt giúp người tham gia hiến máu lần đầu vượt qua được nỗi sợ hãi cũng như giải thích để họ hiểu được những lợi ích đem lại khi đi hiến máu nhân đạo.
Nguyễn Viết Thành, Sinh viên Học viện An ninh nhân dân
Giống như Thiếu úy Phạm Văn Chung, Nguyễn Viết Thành đã có đến 24 lần đi hiến máu tình nguyện. Thành chia sẻ: Với em đơn giản cho đi mỗi giọt máu hồng là đem lại nụ cười cho một người khác. Khi đi hiến máu, vừa giúp ích cho cộng đồng vừa lợi cho sức khoẻ của bản thân. Từ lần đầu đi hiến máu năm 2011, em tăng được 5 kg. Đến nay, em có sức khoẻ ổn định, đạt cân nặng từ 65-70 kg.
|
Nguyễn Viết Thành, Sinh viên Học viện An ninh nhân dân. |
Trong hoạt động tình nguyện, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, mà máu tình nguyện ngày càng ngấm dần trong em, em đã trưởng thành và gắn bó hơn nhiều với hoạt động tình nguyện. Chỉ đơn giản là em muốn đem nhiệt huyết tuổi trẻ để giúp những người cần giúp, làm những điều cần làm, sống vì những điều mình muốn”.
Trung úy Nguyễn Văn Nguyên, Khoa Nghiệp vụ 6, Học viện An ninh nhân dân
Nhiều lần trực tiếp đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, Trung úy Văn Nguyên, Khoa Nghiệp vụ 6, Học viện An ninh nhân dân càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện.
|
Trung uý Nguyễn Văn Nguyên. |
Năm 2011, Nguyên nhận được cuộc điện thoại của người bạn cho biết có người nhà đang cấp cứu, cần tiểu cầu gấp. Vì hiến máu nhiều lần và viết cam đoan nên Nguyên được các bác sĩ chấp nhận hiến tiểu cầu. Sau khi cấp cứu thành công, nhận những lời cảm ơn cùng những giọt nước mắt của gia đình họ, Nguyên hiểu rằng “Một giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại”, không chỉ là hiến tặng những giọt máu ấm nóng mà còn trao niềm tin và hi vọng.
Trung úy Bùi Hoàng Ly Ly, Phòng công tác Chính trị, công tác Đảng và công tác quần chúng, Học viện Cảnh sát nhân dân
17 lần hiến máu tình nguyện là 17 kỷ niệm đáng nhớ của Trung uý Bùi Hoàng Ly Ly. Trong đó đáng nhớ nhất là lần hiến máu nhân dịp 27/7 năm 2013 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Ly đã gặp và nên duyên với một tình nguyện viên đi hiến máu tại đây.
|
Trung úy Bùi Hoàng Ly Ly, Phòng công tác Chính trị, công tác Đảng và công tác quần chúng, Học viện Cảnh sát nhân dân. |
“Sự tiếp nhận đúng lúc sẽ giúp ích rất nhiều người, vậy tại sao chúng ta là những người khoẻ mạnh, không tiếp sức cho những người đang cần máu, dù ít hay nhiều cũng rất đáng quý và trân trọng”. Ly Ly tâm sự.
Phạm Thanh Quang, Sinh viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang
Sau lần đầu cùng gia đình đi hiến máu tình nguyện, đều đặn 3- 4 tháng 1 lần chàng trai trẻ Thanh Quang lại có mặt tại Trung tâm hiến máu nhân đạo. Hơn 12 lần tham gia hiến máu cả trong và ngoài đơn vị, Quang luôn cảm thấy tự hào vì ngoài công việc nhiệm vụ hàng ngày còn được đóng góp một phần công sức để giúp đỡ mọi người.
|
Phạm Thanh Quang, Sinh viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang và gia đình cùng đi hiến máu. |
Quang quan niệm, hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội, việc làm ý nghĩa nhân đạo cao đẹp đó cần được nhân rộng hơn nữa, vì sức khỏe của cộng đồng, của chính mình, hãy coi đó là trách nhiệm, bổn phận bản thân…
Nguyễn Đức Anh, sinh viên Học viện ANND
Là Đội trưởng Đội Thanh niên vận động Hiến máu của Học viên ANND, bản thân Đức Anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi khi chương trình hiến máu tình nguyện triển khai, anh luôn là người đi đầu hiến máu sớm rồi vào khâu chăm sóc để hướng dẫn các đồng đội.
|
Nguyễn Đức Anh, sinh viên Học viện ANND. |
Nhiều lần BV 198 cần gấp máu để cấp cứu, Đức Anh luôn có mặt kịp thời tham gia hiến máu, đồng thời nhanh chóng tìm, tập hợp người có nhóm máu phù hợp. Hơn 10 lần hiến máu, cùng những thành tích xuất sắc trong hoạt động thiện nguyện, Đức Anh đã được rất nhiều Bằng khen như của Viện Huyết học truyền máu Trung ương; Trung ương Hội thanh niên Việt Nam TP Hà Nội; Hội chữ thập đỏ quận Thanh Xuân…
Cao Hữu Phúc, sinh viên Đại học Phòng cháy chữa cháy
Dù có hơn 10 lần tham gia hiến máu tình tình nguyện những Cao Hữu Phúc, sinh viên Đại học Phòng cháy chữa cháy vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng khi tham gia hiến máu lần đầu. Phúc kể lại: “Tối hôm trước mình cố gắng chợp mắt mà không sao ngủ sớm được. Sáng hôm sau thấm mệt với 6 tiết học, tâm trạng hồi hộp khi làm đơn đăng ký tham gia hiến máu. Cơ thể cao, gầy lo ngại không đủ cân. Thế rồi mọi việc cũng suôn sẻ.
|
Cao Hữu Phúc, Sinh viên Đại học Phòng cháy chữa cháy. |
Sau lần đó, mình tích cực tìm hiểu những thông tin về hiến máu để có thể giúp đỡ cũng như vận động tuyên truyền được rộng rãi việc làm vô cùng ý nghĩa này… Bản thân Phúc nghĩ, mình sẽ tham gia hiến máu tới chừng nào có thể và chắc chắn không dừng lại ở con số 10 như bây giờ. Với mình, hiến máu tình nguyện là một cách đóng góp một phần nào đó cho cộng động, góp phần xây dựng đất nước”.
“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hiến máu tình nguyện là hoạt động thường niên có ý nghĩa nhân văn cao cả của tuổi trẻ Công an nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sỹ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.