Phá những chuyên án xuyên quốc gia

02/07/2012
Không biết có phải vì vẻ ngoài không mấy ấn tượng, luôn giản dị như một “xe ôm” hay do đôi mắt sắc lẹm cùng khả năng “bắt thóp” tội phạm mà Thượng úy Phạm Hồng Quân, Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em (Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội) luôn được cấp trên điều động tham gia phá những chuyên án phức tạp. Chỉ biết rằng, trong mỗi chuyên án, có lúc anh như một trinh sát “nằm gai nếm mật” theo dấu tội phạm; có khi lại như game thủ tuổi “teen” suốt ngày lang thang “chat chit” để tìm ra tung tích nạn nhân…

Vén bí mật màn kịch “cứu net”
Một ngày cuối tháng 3-2011, một phụ nữ mặc áo mưa trùm kín mặt đến gõ cửa Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em (Đội 12 - Phòng Cảnh sát hình sự). Trong bản tường trình dài hơn bốn mặt giấy thấm đẫm nước mắt, người mẹ trẻ trình báo về việc con gái mình là cháu V (SN 1997, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Vụ việc này đã xảy ra hơn một tuần nhưng qua cuộc điện thoại ngắn ngủi, ngay chính cháu V cũng không xác định được địa điểm mình đang bị giam giữ, trong khi tên tuổi các đối tượng liên quan chỉ là những “nickname” được sử dụng trên mạng hoặc những biệt danh có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu.

Tiếp nhận thông tin rất mong manh nhưng ngay lập tức, nhóm trinh sát dày dạn kinh nghiệm trong đó có Thượng úy Phạm Hồng Quân đã bắt tay vào việc rà soát, thu thập tài liệu. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ nên chỉ trong thời gian ngắn, từ hai cái tên “Tý” - “Hoàng” được gia đình nạn nhân cung cấp, lực lượng cảnh sát hình sự đã tìm ra “dấu vết” nhóm thanh niên “nghiện net”, chuyên làm quen với nữ sinh trên mạng. “Đây là việc không hề dễ dàng vì “Tý”, “Hoàng” chỉ là tên giả. Phải làm sao để lần ra đầu mối liên lạc của chúng rồi khéo léo tiếp cận, buộc các đối tượng này cắn câu” - Thượng úy Quân chia sẻ về những “nước cờ” đầu tiên mà anh và đồng đội phải gấp rút thực hiện. Ít ngày sau đó, cơ quan điều tra đã làm rõ thêm một mắt xích liên quan đến đường dây mua bán phụ nữ có biệt danh là “Phương”. Từ những thông tin quý giá này, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án trinh sát mang bí số 130P.

 

Thượng úy Phạm Hồng Quân rà soát các đối tượng nghi vấn liên quan đến đường dây mua bán phụ nữ



Ròng rã suốt một tháng, Thượng úy Quân đã làm rõ đối tượng “Tý” có tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi (SN 1997, ở bãi rác Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Ngày 21-4-2011, lực lượng cảnh sát đã bao vây nhà Phi, bắt khẩn cấp đối tượng chưa đầy 14 tuổi này và dần vén bức màn bí ẩn liên quan đến sự mất tích đột ngột của cháu V. Đấu tranh với Phi và nắm rõ quy luật hoạt động của đường dây, ngay trong đêm 21-4, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng “Hoàng”, tên thật là Vũ Văn Ca (SN 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Đây chính là đối tượng đầu vụ đã cấu kết với Phi lên kế hoạch dụ dỗ, lừa bán cháu V sang Trung Quốc. Thêm 2 ngày đấu tranh và câu nhử với nhóm “đầu nậu” buôn người bên kia biên giới, tổ công tác Đội 12 đã phục kích, đón lõng 2 nữ “tú bà” đang trở lại Việt Nam “ăn hàng” là Lê Thị Toan (SN 1989, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Bích Tường (SN 1972, ở Hạ Hòa, Phú Thọ). Chuyên án chỉ kết thúc khi bằng nhiều kênh thông tin, Thượng úy Quân và đồng đội đã hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Interpol và Cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu nạn nhân thành công. Và thêm một lần nữa, người mẹ trẻ với đôi mắt ướt nhòa lại tìm đến Đội 12 nhưng không phải để trình báo mà là gặp lại đứa con trong niềm vui vỡ òa.

Những cuộc đeo bám kỳ công.
Nhắc đến các chuyên án nổi tiếng mà Thượng úy Quân và đồng đội từng tham gia như vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương hay chuyên án bóc gỡ đường dây mua bán phụ nữ xuyên quốc gia… là nói đến những cuộc đeo bám lặng thầm, đấu trí nghẹt thở. Vì nhiều lý do khác nhau mà trong các chuyên án, trinh sát sẽ phải “đơn thương độc mã” hóa trang thành nhiều nhân vật để xác định danh tính đối tượng. Như trong vụ án bắt giữ Lê Thị Hải (SN 1971, tạm  trú ở Từ Liêm, Hà Nội), Quân hết vào vai “xe ôm”, cửu vạn lại có lúc trở thành nhà kinh doanh hoặc một đại gia về bất động sản. Chính Thượng úy cảnh sát từng tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Viện Đại học Mở cũng không ngờ sẽ có ngày những kiến thức đã học lại được áp dụng vào quá trình phá án. “Vì lần đầu tiên tiếp xúc, nhận dạng đối tượng, lực lượng điều tra phải vượt qua bài trắc nghiệm kiến thức. “Vai diễn” thành công do những câu hỏi mà Hải đưa ra đã “vào đúng tủ” - Quân cười, kể lại kỷ niệm khó quên.

Trong vụ án này, nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc là một cô gái có vần đề về trí nhớ. Thông tin duy nhất mà cô gái biết về kẻ buôn người là một người lang thang tên là Hải. Trong suốt 2 tháng, gần như không một ngõ ngách, xóm trọ nào trên địa bàn huyện Từ Liêm, Quân không có mặt. Rà soát, đối chiếu và nhiều khi bằng cả giác quan nghiệp vụ, chàng Thượng úy trẻ đã vạch trần bộ mặt của đối tượng buôn người đang tạm trú tại xã Thụy Phương. Vụ án được làm sáng tỏ và trở nên đặc biệt, vì đây là trường hợp đầu tiên nạn nhân là một cô gái mắc bệnh tâm thần./.
 

Bá Chiêm
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website