Bộ Công an Việt Nam thực hiện cam kết quốc gia đối với Tiến trình COMMIT

22/08/2024
Ngày 21-22/8/2024, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại – Bộ Công an với vai trò đơn vị Thường trực Ban công tác liên ngành Tiến trình COMMIT Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo tham vấn về Tiêu chuẩn tối thiểu 1: Xác định nạn nhân của Cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia (TRM) trong khuôn khổ Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu từ Ban công tác liên ngành Tiến trình COMMIT Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam,  Thái Lan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chương trình phòng, chống mua bán người ASEAN-Úc (ASEAN-ACT).
 

Từ trái sang phải: Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam; Đại tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Công an; ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, đại diện Ban Thư ký Tiến trình COMMIT.


Phát biểu khai mạc, Đại tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoai - Bộ Công an cho biết Hội thảo lần này tiếp nối kết quả của “Hội nghị tham vấn về quy trình chuẩn và tiêu chí xác định nạn nhân trong khuôn khổ Tiến trình COMMIT” do Cục Đối ngoại, Bộ Công an chủ trì tổ chức ngày 21-22/12/2023 và nhằm mục đích thúc đẩy thống nhất tiêu chuẩn tối thiểu đầu tiên về xác định nạn nhân của bản dự thảo Khung cơ chế chuyển tuyến xuyên quốc gia (TRM) trong khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng. Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở kết nối các bên liên quan tham gia vào quá trình xác định, chuyển tuyến, hỗ trợ và hồi hương nạn nhân để đảm bảo quyền của nạn nhân trong suốt con đường tái hòa nhập.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đối với Tiến trình COMMIT, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, đại diện Ban Thư ký Tiến trình COMMIT, khẳng định Việt Nam đã và đang thể hiện sự tích cực trong hợp tác quốc tế và tổ chức thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người.

Tại Hội thảo, Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam nhấn mạnh Tiến trình COMMIT từ lâu đã là trụ cột của sự hợp tác khu vực, củng cố nền tảng tư pháp, nâng cao hoạt động điều tra và truy tố các vụ án mua bán người, đồng thời giải quyết những thách thức sâu xa liên quan đến mọi hình thức mua bán người và bảo vệ nạn nhân.

 

Quang cảnh Hội thảo.


Hội thảo diễn ra trong hai ngày với các bài trình bày và phiên thảo luận sôi nổi. Theo đó, đại diện Ban công tác COMMIT các nước trình bày về thực tế công tác xác định nạn nhân bị mua bán và các vấn đề nội luật hóa cơ chế sàng lọc, xác định nạn nhân nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về xác định và chuyển tuyến nạn nhân; cung cấp các phản hồi về Tiêu chuẩn tối thiểu 1: Xác định nạn nhân trong dự thảo TRM. Đại diện các tổ chức quốc tế cũng trình bày về tình trạng mua bán người nhằm mục đích cưỡng ép phạm tội. Ban công tác Tiến trình COMMIT các nước sau đó tham gia thảo luận nhóm để thiết lập các tiêu chí xác định nạn nhân và chia sẻ đầu mối hợp tác quốc tế trong xác định nạn nhân của mỗi quốc gia.
 

Năm 2004, tại Yangon, Myanmar, Chính phủ 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng giai đoạn 1 (2004-2006) với mục đích phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực, hình thành cơ chế hợp tác Tiến trình COMMIT. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, lấy trọng tâm vùng làm mục tiêu và phương pháp tiếp cận một cách đa ngành. Qua đó, đã mở ra cơ chế trao đổi thông tin và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc xây dựng khung chính sách pháp luật, hợp tác giữa các quốc gia, tư vấn chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ hồi hương và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Tại Việt Nam, các hoạt động của Tiến trình COMMIT được triển khai lồng ghép với Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần bảo vệ quyền con người, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Quá trình thực hiện, Bộ Công an Việt Nam với tư cách cơ quan đầu mối Tiến trình COMMIT Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ban công tác liên ngành COMMIT bao gồm 09 cơ quan ban ngành. Hằng năm, Ban công tác liên ngành COMMIT Việt Nam căn cứ Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ và Kế hoạch hành động tiểu vùng (SPA) để triển khai các hoạt động COMMIT Việt Nam.

Sơn Mai - Công Tuấn
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website