Hội nghị đã dành thời gian rà soát tình hình công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước; ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi của các nước thành viên trong giảm cầu, thực thi pháp luật, hợp tác tư pháp, phát triển thay cây, phòng, chống lây nhiễm HIV, góp phần thực hiện thành công các sáng kiến hợp tác chung của Tiểu vùng, Kế hoạch hành động lần thứ 8 và tinh thần Tuyên bố chung Nay Pyi Taw; thảo luận kỹ tình hình, phương thức, thủ đoạn và xu hướng mới nổi của ma túy bất hợp pháp trong khu vực; thống nhất các giải pháp chung của Tiểu vùng và mỗi quốc gia thành viên trong hợp tác phòng, chống ma túy; kiểm điểm, đánh giá những cơ hội và thách thức của quan hệ đối tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công trong khuôn khổ Bản thỏa thuận năm 1993 về phòng, chống ma túy (MOU) trong thời gian qua; đề ra sáng kiến sát với yêu cầu thực tế của Tiểu vùng trong phòng, chống ma túy; trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm và bài học hay của nhau.Hội nghị thống nhất và nhấn mạnh: Các nước MOU cần nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia và Tiểu vùng; gắn kết các hoạt động của Tiểu vùng với các nỗ lực chung của Asean và các khu vực khác, đồng thời khuyến khích các hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia thành viên; việc ký kết Phụ lục sửa đổi lần thứ 2 Bản thỏa thuận về quan hệ hợp tác phòng, chống ma túy và thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 9, trong đó xác định các nhóm giải pháp chung cho cả Tiểu vùng sẽ là tiền đề, xương sống để các nước Tiểu vùng thực hiện và cụ thể hóa các chiến lược phòng, chống ma túy trong hai năm tới; Campuchia sẽ là chủ nhà của Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Công về hợp tác phòng, chống ma túy vào năm 2017…/.