Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong giai đoạn hiện nay

27/10/2022
Lượt xem: 6624
Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Hiện nay, nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài (khu vực Tam Giác Vàng) được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Đáng lưu ý, tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng tuyến đường hàng không vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH) từ các quốc gia châu Âu về Việt Nam tiêu thụ. Cùng với đó, tình hình mua bán trái phép chất ma túy và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy gia tăng. Các đối tượng lợi dụng loại hình cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với quy mô lớn ở nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố, đô thị lớn  như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào tổ chức Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng sơ kết một năm thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an hai nước về hợp tác phòng, chống ma túy.


Theo thống kê, tính đến tháng 9/2022, toàn quốc có khoảng 200.000 người nghiện ma túy, hơn 49.000 người sử dụng trái phép chất ma túy và 12.250 người bị quản lý sau cai nghiện. Đây được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở trong nước. Trong khi đó, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện hiệu quả chưa cao.

Trong 5 năm gần đây, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện đấu tranh với trên 120.000 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ trên 180.000 đối tượng, thu giữ gần 5,5 tấn heroin, 14,2 tấn và 7,5 triệu viên MTTH cùng nhiều vật chứng có liên quan. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện hơn 20.000 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ khoảng 30.000 đối tượng, thu giữ 573 kg heroin, 1,5 tấn và hơn 3,3 triệu viên MTTH cùng nhiều loại vật chứng liên quan; bắt 9 đối tượng truy nã; phát hiện, đấu tranh triệt xóa 495 điểm, 41 tụ điểm phức tạp về ma túy. Đấu tranh hơn 1.000 vụ, xử lý hình sự gần 1.700 đối tượng, xử lý hành chính trên 4.000 đối tượng có các hành vi liên quan đến ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm.

Nhiều đối tượng vận chuyển ma túy số lượng lớn từ biên giới vào Việt Nam bị bắt giữ.


Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Chỉ đạo toàn lực lượng tổ chức phòng, chống ma túy theo 3 lớp và điều tra cơ bản xuyên suốt theo 5 lĩnh vực; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự ban hành Hướng dẫn về công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy cho Công an xã, phường, thị trấn... 

Những kết quả trên đã từng bước ngăn chặn, kiềm chế tội phạm và tệ nạn ma túy, hạn chế các điều kiện, nguyên nhân phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần kéo giảm ít nhất 5% tội phạm về trật tự xã hội hàng năm và làm giảm số đối tượng truy nã do Bộ Công an đề ra, đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Qua đó, có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy quốc tế và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung công tác. Theo đó, tập trung giải quyết căn cơ, hiệu quả tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy ngay từ cơ sở, làm tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nguồn lực cho lực lượng Công an, Y tế, Lao động - Thương binh, Xã hội và các ban ngành, đoàn thể phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả. 

Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy.


Cùng với đó, với phương châm “không đánh khúc giữa” mà phải triệt phá, bóc gỡ toàn bộ tổ chức, đường dây tội phạm ma túy, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tập trung ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như: Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia; tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện; địa bàn các thành phố lớn, địa bàn giáp ranh, địa bàn đô thị hóa… Triển khai cao điểm tuyên tuyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và tập trung giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia và các tỉnh trọng điểm phía Nam với phương châm phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa. 

Chú trọng đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm thường được các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy; xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm, “thay tên đổi họ” hoặc núp bóng để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đồng thời, đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chính quyền, Công an cơ sở vi phạm hoặc bao che, dung túng cho hoạt động phạm của các cơ sơ kinh doanh có điều kiện về ANTT.

Chung tay nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.


Đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy cho các đối tượng cần quan tâm đặc biệt như học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, đồng bào ở các khu vực biên giới dễ bị tội phạm lợi dụng...; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tài liệu về phòng, chống ma túy phù hợp với từng đối tượng, chú ý phát triển các chương trình sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người. 

Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chuyên trách  phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan và các lực lượng An ninh hàng không, Bưu chính viễn thông...tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực cửa khẩu, cảng hàng không, hoạt động chuyển phát nhanh qua đường bưu điện; phối hợp kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu, thông quan và soi chiếu hàng hóa để kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tiền chất vào sản xuất trái phép chất ma túy.

Tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin về tội phạm ma túy xuyên quốc gia với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước phát triển, các nước trong khu vực để chủ động phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, “kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn chung chuyển ma túy quốc tế”, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website