Bắc Ninh: Điểm tựa để người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

22/03/2024
Lượt xem: 562
Quyết định số 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính thức có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 được xem là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Nguồn vốn vay này được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên cải thiện cuộc sống. Ngay sau khi chính sách này có hiệu lực, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp Ngân hàng chính sách tỉnh và chính quyền địa phương nắm bắt nhu cầu, giải ngân khoản vay đến đúng đối tượng. Từ đó, giúp những người có quá khứ lầm lỡ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và tránh tái phạm sai lầm.

Tháng 10/2021, sau khi chấp hành xong bản án 19 tháng tù trở về quê hương, anh Đoàn Văn Thanh (ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ 100 triệu đồng ban đầu được Ngân hàng chính sách xã hội xét duyệt cho vay với lãi suất ưu đãi, anh Thanh đã cải tạo vườn tược, mua cây trồng, con giống. Đến nay, diện tích trang trại của gia đình đã mở rộng lên 5.000m2. Hơn 50 gốc bưởi đang đến thời kỳ thu hoạch, đàn gà, ao cá đang trong giai đoạn chăm sóc để xuất bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán, kinh tế của gia đình có sự thay đổi rõ nét. Anh Đoàn Văn Thanh chia sẻ, đối với những người từng lầm lỗi như mình, sau khi tái hòa nhập mà được Đảng và Nhà nước quan tâm tinh thần và nguồn vốn làm ăn nên rất phấn khởi. Thủ tục vay vốn lại dễ dàng, đơn giản, hồ sơ nhanh chóng. 

Đồng chí Lê Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cho biết, Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp Công an xã, Ngân hàng chính sách thẩm định hồ sơ vay vốn cho anh Thanh. Sau đó, anh Thanh đã phát huy rất tốt nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đây là chính sách rất nhân văn và ý nghĩa để giúp người lầm lỡ hoàn lương, trở thành công dân tốt.

Ngay khi Quyết định số 22 của Thủ tướng chính phủ và Kế hoạch số 488 của Bộ Công an về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành, Công an tỉnh đã phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định và Kế hoạch tới cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 22 chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng Kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn phối hợp Ngân hàng chính sách thực hiện theo Quyết định 22.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, nhất là Công an cơ sở kịp thời nắm tình hình người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn trở về địa phương cư trú; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng theo quy định. Cùng với đó phối hợp Ngân hàng chính sách và chính quyền địa phương tập trung rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng; trực tiếp đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để xét duyệt điều kiện vay vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng.

Công an tỉnh Bắc Ninh và chính quyền xã Trung Chính thăm, trang trại của anh Đoàn Văn Thanh.
Công an tỉnh Bắc Ninh và chính quyền xã Trung Chính thăm, trang trại của anh Đoàn Văn Thanh.

 

Hiện nay, trên toàn tỉnh có gần 9.000 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, qua rà soát có 91 mô hình tập thể, 48 cá nhân tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 39 cá nhân chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện được vay tiền từ Ngân hàng chính sách theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với số tiền 3,3 tỷ đồng… Ngay sau khi tiếp cận nguồn vốn giải ngân, hầu hết các trường hợp đều được chính quyền địa phương, các đoàn thể và Công an cơ sở hướng dẫn, động viên người vay sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả. 

Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh nhấn mạnh, Quyết định 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương nhân văn, sâu sắc. Năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ phấn đấu giải ngân 100% số hồ sơ đủ điều kiện, đáp ứng đầy đủ nguồn vốn vay. 

Cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, chính quyền các địa phương đã thường xuyên theo dõi, động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ các mô hình hoạt động, đồng thời đã có thêm một số cá nhân điển hình mới được phát hiện, một số mô hình mới được xây dựng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, lựa chọn ra các mô hình, cá nhân thực sự là điển hình để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 46 mô hình và hơn 36 cá nhân điển hình trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng như: Mô hình Hội Nông dân thị trấn Gia Bình với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ  người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hương Mạc với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; Mô hình Hội Liên hiệp phụ nữ phường Việt Hùng với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng...

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn và tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là giải pháp hữu hiệu và bền vững trong việc phòng ngừa tội phạm và vi phạm phap luật, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đây tiếp tục được kỳ vọng là điểm tựa vững chắc để những người hoàn lương được tiếp thêm động lực, tích cực vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới.

 

Thu Yến - Nguyễn Dịu
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website