Dự Hội thảo có Thiếu tướng Phạm Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, Bộ Công an; đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo UBND thành phố, UBND phường, xã; đại diện doanh nghiệp và hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…
|
Toàn cảnh hội thảo khoa học. |
08 ý kiến phát biểu tham luận tại Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề về công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước; các giải pháp an toàn PCCC hệ thống điện, an toàn trong thoát nạn, ngăn cháy, chống cháy lan đối với các công trình này; giải pháp thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC tại làng nghề cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ hộ và các cá nhân khác trong việc sử dụng nhà để ở kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh…
Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá Phan Thị Loan trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu; nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện đề tài khoa học đảm bảo giá trị và tính ứng dụng cao, áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Công an, của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả công tác PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư trên địa bàn nói riêng và nâng cao hiệu quả công tác PCCC nói chung là một trong những tiêu chí nền móng, cơ bản trong việc xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC”. Nam Định là địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động đăng ký xây dựng mô hình này. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các cấp, các ngành cũng như người dân Nam Định trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và quyết tâm ngăn chặn, không để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng./.