Công an xã giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

02/04/2024
Lượt xem: 1344
Thời gian qua, Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, cách làm nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần giúp người từng lầm lỡ xóa bỏ đi mặc cảm, tự ti, ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Tận tình giúp người có quá khứ lầm lỗi
 
Anh Vũ Nguyên Văn (sinh năm 1979, trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam) là một trong những cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những ngày lầm lỡ, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Trở về sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, bản thân anh Văn cũng như rất ít người nghĩ rằng anh có thể làm giàu bằng chính đôi bàn tay với nghề “trồng lúa” trên chính mảnh đất quê hương.
 
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Văn trải lòng: Bản thân từng phải nhận mức án 07 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Năm 2021, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý thiếu tự tin và mặc cảm với mọi người xung quanh. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Văn, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân đã luôn gần gũi, động viên, tạo điều kiện giúp anh Văn làm lại các giấy tờ tùy thân, định hướng cho anh cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Không phụ sự kỳ vọng, giúp đỡ của người thân và lực lượng Công an xã, anh Văn đã bắt tay vào làm, chấp hành tốt các quy định của địa phương. Hiện tại, vợ chồng anh mỗi vụ cấy cày khoảng 20 mẫu ruộng, chủ yếu là các diện tích ruộng mượn lại của nhiều hộ dân trong và ngoài xã không có nhu cầu sử dụng.
 
Anh Văn bộc bạch: “Những ngày đầu trở về với cộng đồng, tôi không nghĩ mình nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, đặc biệt là Đại úy Tuấn và các đồng chí Công an xã”. Một tháng cán bộ Tuấn qua nhà tôi vài lần thăm hỏi như người nhà, hướng dẫn tôi làm thủ tục nhập khẩu, căn cước công dân. Nhờ thế mà tôi bớt dần cảm giác chông chênh, mặc cảm về quá khứ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Cũng nhờ định hướng trong phát triển kinh tế của các đồng chí Công an xã, hiện nay mỗi vụ lúa đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, đến nay vợ chồng tôi đã xây dựng được nhà to rộng, dự kiến sẽ xây thêm tầng hai để có thêm không gian cho các con.
 
Cũng giống như anh Vũ Nguyên Văn, ông Phạm Hồng Sơn (sinh năm 1963, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam), chấp hành xong án phạt từ năm 2021 với bản án 18 tháng tù về tội danh “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Những ngày đầu trở về với gia đình, sống trong mặc cảm trĩu nặng, ông thu mình trong bốn bức tường, ý nghĩ sẽ tìm đến sống ở một nơi thật xa, không ai biết đến mình luôn thường trực trong đầu. 
 
Đại úy Nguyễn Văn Tuấn và các đồng chí Công an xã Đạo Lý đã trực tiếp đến gặp gỡ, động viên, chia sẻ những vấn đề khúc mắc. Chính từ tấm lòng cởi mở của lực lượng Công an xã đã truyền cho ông năng lượng tích cực, những tự ti, mặc cảm dần xóa mờ đi. Ông quyết tâm chăm chỉ làm việc. Ban đầu ông trồng cây cảnh, sau thì kết hợp chăn nuôi lợn. Bao nhiêu khó nhọc rồi cũng có kết quả. Hiện nay ngoài số cây cảnh bắt đầu cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm gia đình ông chăn nuôi 45-50 con lợn thịt, trừ chi phí cho lãi hàng trăm triệu đồng.
 
Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, (Hà Nam) thăm hỏi và phối hợp cùng gia đình động viên anh Vũ Nguyên Văn (thôn Sàng) trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) thăm hỏi và phối hợp cùng gia đình động viên anh Vũ Nguyên Văn (thôn Sàng) trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
 
Mô hình nhân văn, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự
 
Xác định công tác quản lý, giáo dục các đối tượng đặc xá, tha tù không để họ tái phạm tội là một biện pháp làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2023, Công an xã Đạo Lý đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá địa bàn, tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo “Vận động nhân dân chung tay giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương”. 
 
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Công an xã Đạo Lý đã tổ chức ký cam kết tới 100 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn ký cam kết tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định. Phối hợp với ban văn hóa thông tin xã tổ chức các buổi tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, lồng ghép hội nghị các ngành, đoàn thể, sinh hoạt thôn, khu dân cư. 
 
Đối với người chấp hành xong án phạt tù sau khi về địa phương phải đến trụ sở UBND xã trình diện, Công an xã trực tiếp gặp gỡ, kiểm tra giấy ra trại, các quyết định và giấy tờ khác có liên quan, yêu cầu ký cam kết yêu cầu không tái phạm, chấp hành tốt các quyết định của tòa án về hình phạt bổ sung và quy định của địa phương, hướng dẫn làm thủ tục nhập khẩu, cấp căn cước công dân…
 
Theo thống kê của Công an xã Đạo Lý, đến hết năm 2023, toàn xã có 32 người chấp hành xong án phạt tù được xóa án tích trong diện quản lý tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng Công an xã đã hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp CCCD cho 32/32 người; hỗ trợ làm thủ tục pháp lý hành chính khác cho 20 người; tổ chức 06 lượt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thu hút trên 3.500 lượt người tham gia; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5 người; các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận 5 người vào làm việc; 100% người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định, không có trường hợp tái phạm. Lực lượng Công an xã đã phân công cán bộ, chiến sĩ tổ chức hàng trăm lượt xuống từng gia đình gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng về hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên và tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống.
 
Chia sẻ về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết: Với phương châm “giữ thật trong, làm thật sạch địa bàn”, việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng vừa mang tính nhân văn, vừa là biện pháp phòng, chống tội phạm, kéo giảm tội phạm. 
 
Tuy nhiên, để mô hình ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo hiệu ứng trong toàn xã hội, cần tiếp tục có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân. Chính quyền các cấp cần có chính sách cụ thể hỗ trợ như: định hướng nghề nghiệp, mạnh dạn tín chấp cho các đối tượng vay vốn phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ khó khăn với những người đã từng lầm lỗi, trên con đường hoàn lương… Bởi gieo niềm tin sẽ hái trái ngọt. Khi chính quyền, đoàn thể, cộng đồng đặt niềm tin vào những người lầm lỗi thì chính họ sẽ có niềm tin vào bản thân mình, vượt qua mặc cảm, tự tin mở lòng, hòa mình với gia đình, xã hội, quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn./.
Lê Phượng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website