Củng cố, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

11/02/2022
Lượt xem: 3605
Sáng 11/02/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - lý luận và thực tiễn”. Trung tướng, PGS. TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện chính quyền xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương, các học viện, trường Công an nhân dân.

Hội thảo nhằm làm rõ nhận thức lý luận và đánh giá tình hình, thực trạng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, qua đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm củng cố, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 41 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn trong cả nước. Đây là những kết quả nghiên cứu khá toàn diện, chuyên sâu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết của các tác giả về những vấn đề lý luận và thực tiễn về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: làm rõ nhận thức, lịch sử hình thành, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; đánh giá vai trò, đóng góp của lực lượng này trong thực tiễn giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT tại một số địa bàn; chỉ ra những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, nhất là về chính sách, pháp luật, điều kiện đảm bảo cho tổ chức và hoạt động, trong đó đề xuất quan điểm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp kiện toàn, sắp xếp lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu kết lại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện an ninh nhân dân nêu rõ, qua trao đổi, thảo luận, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã khẳng định: các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng đã và đang được tổ chức, hoạt động ở địa bàn cơ sở, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; khẳng định vai trò to lớn của các lực lượng này trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; là lực lượng làm nòng cốt cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa bàn; khẳng định các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (gồm lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng) đã và đang được tổ chức, hoạt động ở địa bàn cơ sở, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; đồng thời chỉ ra sự bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này ở cơ sở.

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu tại Hội thảo.


Trên cơ sở đánh giá tình hình, yếu tố tác động, các nhà khoa học tham dự Hội thảo làm rõ sự cần thiết phải duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc kiện toàn, sắp xếp lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bản chất là việc hợp nhất các lực lượng, chức danh đang tồn tại (Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục được sử dụng theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018; Bảo vệ dân phố; Đội trưởng, Đội phó dân phòng...) để đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở; không phải là thành lập mới, không làm tăng thêm đầu mối, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác; không làm tăng chi ngân sách nhà nước; phù hợp với phương châm “bốn tại chỗ” trong huy động lực lượng tại chỗ giải quyết các vấn đề phức tạp về ANTT, phát huy vai trò trách nhiệm, khả năng của tổ chức quần chúng tham gia bảo bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đồng chí Giám đốc Học viện nhấn mạnh kết quả quan trọng của Hội thảo là đưa ra khuyến nghị cần sớm xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức hoạt động và quản lý hiệu quả hơn đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối, khắc phục những chồng chéo mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng; giảm các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an.

    Quá trình hình thành và phát triển của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở luôn cần sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự hướng dẫn nghiệp vụ của lực lượng Công an; dựa vào dân, phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng nhân dân; phát huy hiệu quả của các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở…

Thiếu tướng Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh việc duy trì, phát triển lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thời gian tới là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng lực lượng này trên cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và có sự điều chỉnh về tổ chức, chức năng nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn tình hình ở cơ sở.                                                                               

 

PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ ANTT ở cơ sở theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. 
   PGS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, bảo vệ ANTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Song lực lượng Công an nhân dân chỉ có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này khi động viên, phát huy được đầy đủ vai trò của nhân dân tích cực tham gia bảo vệ ANTT, đặc biệt là ở cơ sở. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ ANTT, đặc biệt ở cơ sở có giá trị hết sức quý báu đối với lực lượng Công an nhân dân cả về lý luận và thực tiễn. Đó là nền tảng tư tưởng định hướng công tác của lực lượng Công an nhân dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ANTT đất nước, bảo vệ nhân dân, thực sự xứng đáng là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn thép” vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Đại tá Phạm Duy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân.

 Cơ sở chính trị, pháp lý xây dựng, ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

   Đại tá Phạm Duy Hoàng cho rằng, xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là sự thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong các văn bản chỉ đạo về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở... Việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này là vô cùng cần thiết trong tình hình mới.

 

 

 

Quang Thiện
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website