Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 41 bài viết tham gia xây dựng 02 dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến tham luận vào những nội dung trọng tâm: Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; những luận cứ khoa học của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tính cấp thiết của việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật đường bộ...
|
Thượng tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình chủ trì Hội thảo. |
Theo đó, các ý kiến đều thống nhất với nội dung của 02 dự án luật, đồng thời khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu đều cho rằng: Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở điều chỉnh theo hướng kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hiện đã cùng hoạt động trên địa bàn cấp xã thành 1 lực lượng chung nên sẽ không làm tăng số lượng con người, không làm tăng chi ngân sách. Từ đó góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối theo hướng thống nhất; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật.
Đối với dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu đều cho rằng Luật giao thông đường bộ năm 2008 không thể giải quyết có hiệu quả đồng thời cả 2 vấn đề lớn là trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Do đó, phải xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách bạch với Luật đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu, đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra đối với cả hai lĩnh vực. Việc giao cho Bộ Công an chuyên tâm lo việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tập trung vào vấn đề hạ tầng giao thông là đúng với chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, bảo đảm tính đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành. Giao đúng với chức năng nhiệm vụ không chỉ là sự phân cấp, phân quyền, trách nhiệm rõ ràng mà còn bảo đảm sự chuyên sâu, đồng bộ, cụ thể, chi tiết trong xây dựng hành lang pháp lý cũng như quản lý nhà nước về lĩnh vực đó.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
phát biểu tại buổi Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo ,đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban tổ chức hội thảo cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí khẳng định đây là những thông tin rất hữu ích để giúp cho từng đại biểu Quốc hội cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có thể tham gia và đưa ra xem xét trình Quốc hội thông qua.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thượng tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp tâm huyết, sâu sắc, phong phú, mang tính khoa học cao của các đại biểu. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng đông đảo của toàn dân, là tai mắt, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự ở cơ sở; làm nòng cốt trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Đối với Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ là luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự an toàn giao thông, ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Có thể khẳng định, việc ban hành Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách, thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Bảo đảm quyền con người được quy định trong hiến pháp, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 02 lĩnh vực là trật tự an toàn giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Đồng chí khẳng định đây là 02 dự thảo Luật rất quan trọng được dư luận quan tâm; tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được ban tổ chức hội thảo tập hợp sớm báo cáo Tổ biên tập của Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật trình Chính phủ và Quốc hội.