|
Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa phát biểu khai mạc tại buổi đối thoại. |
Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí trong Đảng ủy và lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp và người dân có quan hệ giải quyết công việc với Cục Quản lý xuất nhập cảnh...
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh: Việc tổ chức đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính là việc làm thường xuyên của các đơn vị có chức năng trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính của Bộ Công an, trong đó có Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Với vai trò là cơ quan có chức năng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ các cơ quan, tổ chức và nhân dân, Cục Quản lý xuất nhập cảnh luôn xác định ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá kết quả hoàn thành công việc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn có ý thức phấn đấu xây dựng hình ảnh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh chuyên nghiệp, thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và nhân dân đóng góp ý kiến đối với lực lượng CAND.
|
Quang cảnh buổi đối thoại. |
Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa cho biết, trên tinh thần cầu thị, vì nhân dân phục vụ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến đóng góp. Với những nội dung cần giải đáp sâu hoặc chưa được nêu tại cuộc đối thoại, đơn vị sẽ tiếp nhận, xem xét, giải quyết các ý kiến đóng góp theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả tới các cơ quan, tổ chức và người đóng góp ý kiến.
Báo cáo về tình hình, kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính tại cuộc đối thoại nêu rõ: Trong thời gian qua, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh rất thông thoáng; công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công an. Điển hình là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử ở trong nước.
|
Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài trả lời tại cuộc đối thoại. |
Đến nay, số lượng công dân đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử trực tuyến tăng mạnh. Trong tháng 10/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận 3.957 hồ sơ trực tuyến/15.311 hồ sơ (tỷ lệ đạt 25,8%).
Tại cuộc đối thoại, dưới sự điều hành của Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đại diện lãnh đạo các phòng chức năng của đơn vị đã trực tiếp trả lời những câu hỏi liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài; công tác cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam; cấp thẻ ABTC cho doanh nhân Việt Nam…
Trả lời câu hỏi của cán bộ Văn phòng đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ về việc cấp thẻ tạm trú cho chuyên gia GIZ, thực hiện dự án ODA của các Bộ hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài cho biết, chuyên gia GIZ thực hiện dự án ODA nếu có xác nhận không thuộc diện cấp giấy lao động thì được xem xét cấp thẻ tạm trú phù hợp.
|
Đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại. |
Công nhân công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đặt câu hỏi về thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam khi có nhân viên là người Hàn Quốc, có vợ là người Việt Nam sinh con tại Việt Nam; con có hai quốc tịch Hàn Quốc và Việt Nam. Trả lời câu hỏi, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, trong trường hợp giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; ghi quốc tịch Việt Nam thì cần làm hộ chiếu Việt Nam cho cháu bé. Trường hợp ghi quốc tịch Hàn Quốc thì làm hộ chiếu Hàn Quốc và liên hệ Cục Quản lý xuất nhập cảnh xin cấp tạm trú để cháu bé xuất cảnh…