Gặp lại nhân chứng tham gia Kế hoạch CM12

11/09/2024
Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong những chiến công xuất sắc nhất và đáng tự hào của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng. Tỉnh Phú Thọ rất vinh dự có 07 đồng chí là cán bộ trinh sát thuộc Phòng 3, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Tổng cục An ninh, Bộ Công an) trực tiếp tham gia Kế hoạch phản gián CM12.

Một chiều mùa thu tháng 8 năm 2024, chúng tôi may mắn được gặp lại một trong bảy nhân chứng trên là ông Nguyễn Xuân Viết, người có nhiệm vụ trinh sát điện đài. Trong hồi ức của mình, ông Viết chia sẻ: Năm 1978, khi đang là Bí thư Chi đoàn Phòng 3, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Tổng cục An ninh, Bộ Công an, ông Nguyễn Xuân Viết được điều động vào công tác tại trạm dò thuộc huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhiệm vụ của ông là trinh sát vây quét và dò tín hiệu điện đài.

Ngày 04/11/1980, thông qua việc vây quét, dò sóng tín hiệu các trạm dò, ông Nguyễn Xuân Viết cùng đồng đội phát hiện được tín hiệu của một cặp điện đài lạ liên hệ với nhau và phát đi các bức điện mật, thông qua đó xác định được tín hiệu trên được phát tại nước bạn. Trước đó, lực lượng An ninh của ta bắt được một toán biệt kích từ biên giới Campuchia đột nhập vào địa bàn tỉnh Kiên Giang và An Giang. Thông tin trên ngay lập tức được báo cáo về Trung tâm chỉ huy và được báo cáo trực tiếp cho đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng. Chuyên án AB-27 được xác lập để đấu tranh với bọn gián điệp biệt kích “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” và các cơ quan tình báo nước ngoài hậu thuẫn chúng. Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó ông Viết và nhiều thành viên trong trạm dò thuộc huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang lúc đó được huy động tham gia chuyên án.

Ông Nguyễn Xuân Viết chia sẻ cùng phóng viên.
Ông Nguyễn Xuân Viết chia sẻ cùng phóng viên.

 

Ông Viết chia sẻ: Thời điểm ấy, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm là người trực tiếp chỉ đạo Chuyên án AB-27 và ông Tám Thậm (tức Đại tá Trần Phương Thế - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau) là những người thường xuyên đến trạm dò của tôi để làm việc và nghe trinh sát trực tiếp báo cáo. Khi đó, không có điện thoại liên lạc như bây giờ, tất cả báo cáo đều qua điện tín, tín hiệu mã hóa để nhanh nhất và bí mật nhất. Trực tiếp Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã họp bàn riêng với cán bộ trinh sát. Lúc bấy giờ, xác định chủ trương xuyên suốt của chuyên án là làm sao phải đảm bảo toàn bộ bí mật tuyệt đối, không được để mắt xích nào đứt, hở. Hàng ngày, công việc của chúng tôi là vây quét và dò tín hiệu 24/24h. Tất cả các lần xâm nhập, gián điệp biệt kích đều bị chúng tôi phát hiện, sau khi phát hiện các tín hiệu từ biển Đông, chúng tôi báo cáo trực tiếp về trung tâm chỉ huy để Trung tâm chỉ huy chỉ đạo lực lượng mặt đất tổ chức đón bắt các toán đối tượng xâm nhập vào địa bàn.

Từ thành công của Chuyên án AB-27, lãnh đạo Bộ quyết định xác lập Chuyên án CM-12 để đấu tranh với địch. Ông Viết cho biết, trong suốt quá trình đấu tranh với địch trong Kế hoạch CM-12, ông và đồng đội đã tổ chức triển khai các phương án chiến đấu liên tục ngày và đêm 24/24h, giám sát chặt chẽ và hiệu quả toàn bộ các hoạt động thông tin liên lạc của tổ chức địch, đảm bảo yếu tố an toàn, bí mật nhất để thực hiện “câu nhử” địch theo ý đồ của ta. Trong đó, kịp thời phát hiện các thay đổi về quy ước liên lạc, thay đổi mật mã và thám mở được toàn bộ các mật mã của bọn gián điệp biệt kích này, thu toàn bộ nội dung chỉ đạo, thông tin về hoạt động của bọn gián điệp biệt kích ở nước ngoài... Tất cả hành trình các chuyến xâm nhập vào Việt Nam đều bị lực lượng của ta phát hiện, định vị một cách chính xác, mặc dù chúng tìm mọi cách ngụy trang tinh vi, xảo quyệt.

Sau khi kết thúc Chuyên án CM-12, năm 1984, ông Nguyễn Xuân Viết chuyển công tác sang làm chuyên gia cho nước bạn Lào, sau đó ông chuyển công tác về Công an tỉnh Phú Thọ. Mặc dù đã 40 năm trôi qua sau chiến thắng ấy, nhưng mỗi khi nhắc đến Chuyên án CM-12, những người chiến sỹ Công an như ông Viết vẫn rưng rưng xúc động. Đối với ông, mặc dù phải hi sinh tuổi xuân và đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng đây sẽ mãi là một trong những vinh dự lớn và kỷ niệm không bao giờ quên trên chặng đường công tác và cống hiến của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Lê Phượng - Nguyễn Ngọc
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website