Sau 12 năm chấp hành hình phạt tù vì tội mua bán ma túy trái phép, anh Nguyễn Văn Chiến (ở xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trở về nhà từ tháng 3/2021. Để có thể tìm được công ăn việc làm đối với những người bình thường đã khó, huống hồ là một người mới tái hoà nhập đồng cộng đồng như anh thì lại càng khó khăn vô cùng. Khi mà anh Chiến còn đang loay hoay chưa biết bước vào cuộc sống ra sao, xin việc nơi đâu để làm thì may mắn anh được giới thiệu tới làm tại xưởng may của anh Nguyễn Văn Bình (ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hoà). Công việc ở đây đã tạo cho anh Chiến có việc làm, thu nhập ổn định.
Với anh Nguyễn Văn Bình thì niềm vui cũng được nhân lên gấp bội bởi anh cũng là một người từng có quá khứ lầm lỗi; cũng từng có những suy nghĩ, những cảm xúc như anh Chiến khi mới hoà nhập cộng đồng. Sẵn biết nghề may đo được dạy nghề trong Trại giam, anh Bình đã xin đi làm công nhân may mặc trong Công ty may Hà Phong ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. 04 tháng sau, anh không đi làm công nhân ở công ty trên nữa mà đã quyết định mở hẳn một cái xưởng may mặc nhỏ của riêng mình. Ban đầu, anh Bình phải nhờ địa điểm của người thân quen trong làng để mở xưởng.
|
Công an huyện Hiệp Hòa và Công an xã Thanh Vân đến xưởng may của anh Nguyễn Văn Bình để động viên, chia sẻ với những người tái hòa nhập cộng đồng. |
Sau đó, được chính quyền địa phương, lực lượng Công an giúp đỡ, anh đã được vay 100 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách; cộng với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, tháng 7/2022, anh đã xây dựng được một khu nhà trên mảnh đất của gia đình để làm xưởng may gia công. Xưởng may của anh đã thu hút gần chục người tái hoà nhập cộng đồng về đây làm. Bên cạnh đó, anh cũng nhận những người lao động của địa phương có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không thể tới công ty, không thể đi làm xađược. Thậm chí, có những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải đi lại xa thì anh cho mượn máy khâu mang về nhà làm. Những người lao động làm việc trong xưởng may của anh Bình mỗi tháng thu nhập rất ổn định.
Đại uý Tạ Văn Quy, Trưởng Công an xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hoà cho biết, khi anh Bình trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, Công an xã đã hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, làm Căn cước công dân, tư vấn pháp luật, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh Bình; đồng thời, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng của địa phương cũng đã giúp đỡ anh Bình. Khi anh Bình có nguyện vọng vay vốn, Công an xã Thanh Vân đã chủ động liên hệ, gặp gỡ để nắm nguyện vọng anh Bình. Sau khi biết được nguyện vọng mở xưởng may, Công an xã Thanh Vân đã báo cáo Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã, Ngân hàng Chính sách xã hội và anh Bình đã được vay 100 triệu đồng để mở xưởng may, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân và những người tái hoà nhập cộng đồng. Đối với các trường hợp người lao động đến làm việc tại xưởng may của anh Bình, Cảnh sát khu vực hướng dẫn khai báo lưu trú. Hàng tháng, Cảnh sát khu vực thường xuyên nắm tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của anh Bình; đồng thời, có trao đổi, liên hệ với một số công ty, doanh nghiệp để có đầu việc giao cho anh Bình làm.
|
Công an huyện Hiệp Hòa và Công an xã Hoàng Thanh đến thăm, trò chuyện với anh Lê Xuân Tráng tại xưởng may. |
Có một thực tế không thể phủ nhận là, với mỗi người từng có một thời lầm lỗi, khi tái hoà nhập cộng đồng thì việc tìm kiếm một công việc làm phù hợp không hề dễ dàng một chút nào. Chị Nguyễn Thị Hường (ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa) là một người như thế. Sau khi trở về địa phương, thật may mắn đã có anh Lê Xuân Tráng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thời trang Hà Thanh, huyện Hiệp Hòa đã nhận chị vào làm việc. 03 năm nay, chị Hường đã có công việc, thu nhập ổn định. Gần 10 năm qua, đã có hàng trăm công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tái hòa nhập cộng đồng, người khuyết tật đã được anh Lê Xuân Tráng mở rộng vòng tay đón nhận, tạo điều kiện làm việc, giúp cho người tái hoà nhập cộng đồng và những người có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trung tá Phạm Quốc Việt, Phó trưởng Phòng Thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, không chỉ nhận lao động, đào tạo nghề, anh Lê Xuân Tráng thường xuyên tham gia các buổi thiện nguyện, đến tận các Trại giam để chia sẻ, truyền cảm hứng cho phạm nhân đang chấp hành án có động lực để lao động, cải tạo, thắp sáng cho họ ước mơ hoàn lương với một cánh cửa doanh nghiệp luôn rộng mở để đón chào.