Dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan TGTG và đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Luật Thi hành TGTG có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, qua 6 năm thi hành đã đạt được kết quả hết sức thiết thực, góp phần quan trọng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác TGTG. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần cần xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Báo cáo tóm tắt tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG (2018-2023), Thiếu tướng Hoàng Ngọc Bích, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết, ngay sau khi Luật Thi hành TGTG được thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 09/3/2016 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành TGTG. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác TGTG để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với quy định của Luật. Đến nay các bộ, ngành có liên quan đã phối hợp xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành 2 Thông tư liên tịch, 17 Thông tư của Bộ trưởng. Đồng thời trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật, các bộ, ngành có liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác quản lý, thi hành TGTG cho các đơn vị, địa phương.
|
Thiếu tướng Hoàng Ngọc Bích, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng báo cáo tóm tắt tổng kết 6 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG.
|
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật Thi hành TGTG, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, công tác quản lý, thi hành TGTG đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhận thức của Thủ trưởng Công an các cấp cũng như cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý giam giữ được nâng cao. Chất lượng, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, thi hành TGTG có sự chuyển biến tích cực; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm, tỷ lệ can phạm nhân trốn, tự thương, tự sát, chết do bệnh lý được kéo giảm rõ rệt.
Các chế độ, chính sách đối với can phạm nhân được thực hiện đầy đủ, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác giam giữ được Chính phủ, Bộ Công an quan tâm đầu tư, xây dựng đã góp phần cải thiện điều kiện giam giữ, bảo đảm tốt hơn quyền của người bị TGTG và phạm nhân. Những kết quả tích cực đó đã và đang phục vụ hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.
|
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo.
|
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thi hành TGTG vẫn còn hạn chế, vướng mắc như công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn gặp khó khăn do quy mô giam giữ ở một số cơ sở giam giữ, đặc biệt là các nhà tạm giữ được xây dựng từ lâu, các hạng mục công trình giam giữ không phù hợp với thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều cơ sở giam giữ có hạng mục công trình xuống cấp, thiếu buồng kỷ luật, buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù, không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, giam giữ.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ sở giam giữ đôi lúc còn chưa kịp thời về các thông tin liên quan đến người bị TGTG dẫn đến khó khăn trong công tác phân loại, quản lý, thi hành TGTG cũng như thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
|
Đại diện lãnh đạo các đơn vị phát biểu tại Hội thảo.
|
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số đối tượng đưa vào các cơ sở giam giữ tiếp tục gia tăng, nhất là số người bị kết án tử hình... sẽ tác động trực tiếp đến công tác quản lý, thi hành TGTG. Vì thế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý, thi hành TGTG rất nặng nề. Do đó cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác TGTG bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và lãnh đạo các đơn vị đã nêu thực tiễn công tác TGTG tại đơn vị, địa phương; thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp có hiệu quả trong công tác thi hành TGTG. Đồng thời thảo luận, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, những quy định mới cần bổ sung vào Luật Thi hành TGTG.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an biểu dương lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương dự họp, phát biểu nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao vai trò, ý nghĩa và kết quả đạt được của Hội thảo để phục vụ việc sửa đổi Luật Thi hành TGTG.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, công tác TGTG có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, là bộ phận cấu thành, không thể tách rời của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, giáo dục, cải tạo người phạm tội. Hiện công tác TGTG còn những tồn tại, thiếu sót do khách quan khi quy định pháp luật chưa đầy đủ. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị việc nghiên cứu, đề xuất các quy định để sửa Luật Thi hành TGTG phải đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo; đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách đối với các đối tượng TGTG và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng và các đơn vị liên quan tập hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để phục vụ nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành TGTG.