Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947 - 12/7/2022) - Kỳ V

01/07/2022
Lượt xem: 3429
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947-12/7/2022), Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những thành tích, chiến công của lực lượng Y tế Công an nhân dân (CAND) trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Qua đó, để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Y tế CAND luôn tự hào, gìn giữ và phát huy truyền thống, trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nghề, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn lực lượng CAND tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) quyết định thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ đổi mới là “CAND phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy và tiến lên hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có cơ sở vững chắc trong quần chúng, có trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, thật sự là công cụ tin cậy, sắc bén của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 42 (tháng 02/1987) đã xác định: “Phải đổi mới toàn diện các mặt công tác công an, đặc biệt là đổi mới tổ chức, cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ huy và phong cách làm việc, tăng cường củng cố tổ chức cán bộ làm công tác tham mưu, an ninh, cảnh sát, xây dựng lực lượng, hậu cần…” và chỉ rõ “Công tác hậu cần CAND phải bám sát các quan điểm, 05 mục tiêu kinh tế - xã hội; 03 chương trình kinh tế lớn của Đảng để bố trí kế hoạch thật năng động, sáng tạo, đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lực lượng…”.

Qua 30 năm đổi mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, lực lượng Y tế CAND đã từng bước lớn mạnh. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ làm công tác y tế triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ban, ngành về công tác y tế. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý, đổi mới toàn diện các mặt công tác y tế từ quản lý nhà nước đến nâng cao trình độ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, xây dựng hạ tầng cơ sở.... nhằm xây dựng hệ thống y tế CAND lớn mạnh, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng mọi yêu cầu công tác và chiến đấu của lực lượng CAND, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới và tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Cục Y tê tổ chức Hội nghị về Công tác phòng, chống Lao trong trại giam năm 1997.


Sau 30 năm đổi mới, nhờ tranh thủ tối đa các nguồn lực, mạng lưới Y tế CAND từ Bộ đến cơ sở cơ bản hoàn thiện và từng bước phát triển, đảm bảo chuyên môn chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác và chiến đấu, tham gia các chương trình y tế quốc gia chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Thời gian này, tổ chức biên chế y tế Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được kiện toàn với quan điểm ở đâu có cán bộ, chiến sĩ Công an thì ở đó có cán bộ y tế để thực hiện công tác đảm bảo. Các Trại tạm giam, Trại giam đã thành lập Bệnh xá. Các Phòng, Ban y tế và Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố đã có những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và tăng cường, dần hình thành tuyến chuyên môn tương đối rõ rệt từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương. Hầu hết các đơn vị đóng quân độc lập đều có nhân viên y tế. 

Ngày 22/10/2010, Cục Y tế đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4210/QĐ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống Y tế CAND đến năm 2020.  Theo đó, tổ chức Y tế CAND gồm: 04 Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục IV (Bệnh viện 19/8, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 199, Bệnh viện Y học cổ truyền); các Bệnh viện Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện Trại tạm giam Chí Hoà Công an TP Hồ Chí Minh (tương đương Bệnh viện hạng III), hệ thống Bệnh xá Công an tỉnh, hệ thống Y tế khối Trại giam, Trại tạm giam, Y tế khối Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Trường, hệ thống Nhà nghỉ dưỡng của Bộ và địa phương làm nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ sau khi điều trị hay phục vụ cán bộ, chiến sĩ sau các đợt công tác đặc biệt, cũng như thực hiện chế độ nghỉ dưỡng hàng năm. Ngoài ra, còn có Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ của Bộ Công an với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an.

Nhà nghỉ dưỡng Tam Đảo vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đến thăm và nghỉ dưỡng (Năm 2007).


Mạng lưới khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ được đầu tư nâng cấp tương đối hiện đại như hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm màu; đã tiếp nhận và triển khai nhiều kỹ thuật cao như: ghép thận, ghép tủy, mổ tim hở, phẫu thuật nội soi; nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong dân gian, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại phục vụ cán bộ, chiến sĩ… Qua đó, tổ chức đảm bảo y tế phục vụ chiến đấu, ứng cứu bão lụt, thiên tai kịp thời, góp phần giảm thiểu thương vong cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên duy trì đủ quân số khoẻ phục vụ công tác, chiến đấu.

Cùng với sự phát triển mạng lưới y tế, đội ngũ cán bộ y tế cũng không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, số cán bộ y tế có trình độ cao như: Tiến sỹ, Thạc sỹ, Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II… cũng dần được tăng lên về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trên cơ sở những bước tiến vượt bậc về hệ thống mạng lưới và chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng Y tế CAND đã đạt được nhiều thành tích trong công tác phục vụ chiến đấu cũng như quản lý, chăm sóc, điều trị, nâng cao sức khoẻ.

Thực hiện diễn biến hoà bình, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá cách mạng Việt Nam với phương thức và thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tại Tây Nguyên, hoạt động của một số phần tử ly khai phục hồi tổ chức Fulro và Nhà nước Đề Ga kích động đồng bào dân tộc biểu tình, bạo loạn. Y tế Công an đã thành lập Bệnh viện khu vực miền Trung giải quyết cấp cứu và cứu chữa thương binh kịp thời khi xảy ra bạo loạn tại địa bàn Tây Nguyên.

Tháng 5/2011, bọn phản động đã lợi dụng dân tộc Mông hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ đạo một số đối tượng trong nước móc nối, tuyên truyền, tập hợp lực lượng thành lập Vương quốc Mông tự trị… Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục IV, Cục Y tế đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và cấp phát hàng hóa (12 cơ số chiến đấu, 34 túi thuốc tổ đội, 140 túi thuốc cá nhân, 06 bình lọc nước, 02 cáng thương) cho lực lượng Y tế Công an phục vụ công tác chiến đấu tại huyện Mường Nhé - Điện Biên. Bên cạnh đó, Y tế Công an các địa phương cũng chủ động chuẩn bị thuốc và trang thiết bị y tế, y bác sĩ,… phục vụ chiến đấu khi có việc xảy ra tại địa bàn, như tại Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An… Công tác tập huấn cấp cứu chấn thương được tích cực triển khai, Cục Y tế đã phối hợp với Cảnh sát New Zealand tổ chức khóa tập huấn y tế cứu thương chiến thuật cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, nâng cao khả năng cấp cứu chấn thương cho lực lượng trực tiếp chiến đấu. Hệ thống Bệnh viện, Bệnh xá, y tế cơ sở cơ bản đã thực hiện tốt quy chế chuyên môn. 

Cục Y tế tổ chức tập huấn giảng viên nguồn HIVAIDS trong các cơ sở giam giữ năm 2011.


Bước vào thời kỳ đổi mới, Cục Y tế đã xây dựng tiêu chuẩn bảng điểm Bệnh xá để chấn chỉnh thực hiện quy chế chuyên môn, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị, công tác quản lý sức khoẻ ở các cơ sở y tế Ngành. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, tạo được niềm tin cho những người trực tiếp đến điều trị. Công suất giường bệnh hàng năm đạt trung bình trên 70%. Công tác quản lý sức khoẻ, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tuyển sinh tuyển dụng, chứng nhận sức khỏe, quản lý bệnh mãn tính được thực hiện tốt ở hầu hết các đơn vị y tế, tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm, phát hiện và điều trị ngay từ sớm, từ đó công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cán bộ, chiến sĩ ngày càng thu được kết quả tích cực, quân số khỏe hàng năm đạt tỷ lệ 99,5 - 99,8%.

Trong công tác phòng chống thiên tai, bão lụt, Y tế CAND đã tích cực chủ động đảm bảo thuốc, hóa chất, dụng cụ y tế, cùng nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu chữa người bị nạn, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt. Y tế Công an cũng thực hiện tốt việc bảo quản, quản lý thuốc. Một nhiệm vụ đặc thù và rất nặng nề của lực lượng y tế Công an là đảm bảo khám, chữa bệnh cho can, phạm nhân, trại viên, học sinh tại trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý. Cán bộ y tế tại các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng không ngại khó khăn gian khổ, luôn nêu cao tinh thần hết lòng phục vụ người bệnh, trực tiếp thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với can phạm nhân, trung bình hằng năm khám chữa bệnh cho 30 vạn lượt can, phạm nhân, đây là những đối tượng rất phức tạp, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS, mắc lao và các bệnh truyền nhiễm khác rất cao.

Thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng; tích cực, chủ động tham gia các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Y tế CAND đã xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh 05 tốt để làm tốt vệ sinh nơi đóng quân, xử lý các nguồn phân, rác thải, nước thải, đảm bảo phòng dịch theo mùa. Cục Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với lực lượng quân, dân y bao vây khống chế, dập tắt được nhiều ổ dịch, như dịch lỵ, dịch tả, dịch xoắn khuẩn Leptospira ở các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Khi tình hình bão lụt xảy ra thường xuyên và ngày càng nặng nề ở các tỉnh Miền núi, Đồng bằng sông Cửu Long, Y tế Công an đã tích cực tham gia, hướng dẫn cán bộ và nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường sau lũ lụt, khử trùng nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt, xử lý chất thải theo quy định, nên đã hạn chế được dịch bệnh.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Y tế Công an tích cực tham gia các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như: Chương trình phòng chống sốt rét, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng chống HIV/AIDS, Phòng chống Lao, Phòng chống rối loạn do thiếu iốt… bằng các hoạt động đa dạng, phong phú như triển khai hoạt động thông tin giáo dục truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm, Ngày thế giới chống Lao, Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày toàn dân đi mua và dùng muối iốt, Ngày Thế giới phòng chống AIDS….; tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, thành lập các Phòng tư vấn giáo dục sức khỏe, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong Công an, triển khai hoạt động dự phòng chăm sóc điều trị HIV/AIDS, lao cho các đối tượng can, phạm nhân do Bộ Công an quản lý. 

Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng bệnh và phòng chống dịch, kịp thời khống chế và xử lý một số dịch bệnh nguy hiểm như SARS, tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A (H5N1,H1N1), cúm A (H7N9), dịch bệnh do virus Ebola, dịch bệnh do virut Zika, dịch bệnh sốt xuất huyết...; triển khai rộng khắp và có hiệu quả các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, vệ sinh bệnh viện, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Kịp thời xử lý ổ dịch, khống chế ngăn không để dịch lan rộng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do dịch, phối kết hợp chặt chẽ với y tế quân dân y địa bàn đóng quân trong công tác phòng, chống dịch.

Công tác cung ứng thuốc dần đi vào nề nếp, có quy định thống nhất về cung ứng thuốc trong lực lượng CAND; 100% các cơ sở có đủ thuốc thiết yếu. Từ 2006 đến 2015, chương trình Chính sách quốc gia về thuốc trong CAND được triển khai sâu rộng đến từng đơn vị y tế CAND với nhiều nội dung tập huấn, hội thảo, kiểm tra, hướng dẫn, cung cấp tài liệu phương tiện nhằm đảm bảo thực hiện 02 mục tiêu: (1) Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chủ yếu có chất lượng cho CBCS; (2) Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Triển khai chiến lược quốc gia dược nhằm tăng cường chuyên môn cho cán bộ y tế và cung ứng thuốc tốt cho người bệnh.

Hòa chung trong quá trình đổi mới của đất nước, lực lượng Y tế CAND đã chủ động đổi mới không ngừng về mô hình hoạt động, chủ động trong công tác xã hội hóa y tế và hội nhập quốc tế. 

Giai đoạn này, Cục Y tế đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 14/2001/TT-BCA, ngày 30/3/2011 quy định việc thực hiện xã hội hóa y tế trong CAND. Xã hội hóa công tác y tế là hình thức liên doanh, liên kết giữa các cơ sở khám và chữa bệnh của CAND với các cơ sở y tế khác trên cùng địa bàn để thực hiện các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khi có nhu cầu và từng bước góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ, nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh trong CAND. 

Thực hiện chủ trương của Bộ, các Bệnh viện hạng I đã triển khai hiệu quả các đề án, dự án xã hội hóa, tiêu biểu như: Đề án “Liên doanh, liên kết lắp đặt, sử dụng hệ thống chụp cắt lớp vi tính 2 lát tại Bệnh viện 19/8"; Đề án “Lắp đặt máy khảo sát vữa xơ động mạch ngoại biên không xâm lấn tại Bệnh viện 19/8"; Đề án “Xã hội hóa lắp đặt máy điều trị U ung thư bằng sóng VIBA (MICROWAVE) tại Bệnh viện 19/8"; Đề án thành lập "Đơn vị mắt kỹ thuật cao tại Bệnh viện 30/4"; Đề án “Phát triển khu liên kết với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tại Bệnh viện 30/4"; Đề án “Khu liên kết Y khoa Quốc tế Việt Xuân tại Bệnh viện Y học cổ truyền" …

Tại các Bệnh viện, Bệnh xá Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh cho nhân dân theo diện thu một phần viện phí, dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà; khám sức khỏe định kỳ cho các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn, khám sức khỏe lái xe, khám tuyển sinh ngành ngoài, tư vấn sức khỏe; hợp tác với bệnh viện quân, dân y thành lập khu liên kết điều trị, mời chuyên gia y tế, thầy thuốc giỏi đến khám, điều trị; tổ chức cung ứng thuốc, vật tư thiết bị y tế cho các đối tượng là dịch vụ đến khám bệnh, chữa bệnh bằng hình thức hợp đồng với dược sĩ đại học, mở nhà thuốc tại bệnh viện; Liên kết đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế, lắp đặt máy thận nhân tạo, phục vụ khám, chữa bệnh với các công ty; liên kết để các công ty đặt máy móc, thiết bị y tế bằng hình thức sử dụng hóa chất của công ty để thực hiện kỹ thuật xét nghiệm phục vụ bệnh nhân… 

Sau nhiều năm thực hiện công tác xã hội hóa y tế, hệ thống Y tế Công an đã có sự phát triển về quy mô, cùng với sự phát triển về quy mô thì các bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại. Công tác khám, chữa bệnh đã thu hút được số lượng lớn thẻ bảo hiểm y tế, quá trình khám chữa bệnh luôn đảm bảo, trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên được nâng lên một bước, thu được lượng kinh phí đáng kể để đầu tư lại, góp phần cải thiện đời sống một phần cho cán bộ nhân viên. Đồng thời, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ CAND cũng được nâng cao. Số lượng cán bộ, chiến sĩ và người dân đến khám và điều trị nội trú tại các Bệnh viện, Bệnh xá Công an ngày càng tăng, có những đơn vị tăng rất cao. Điều đó phản ánh sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ, cũng như chất lượng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ các bệnh viện, bệnh xá Công an. Đây là một điểm mới toàn diện của Y tế CAND trong giai đoạn này.

Thời kì đổi mới, Cục Y tế cũng đã tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế với các nước có nền y tế tiên tiến, hiện đại với phương châm chủ động, tích cực, đa dạng nhằm tranh thủ sự ủng hộ để phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn của Y tế CAND, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ. 

Y tế Công an đã liên kết với các Bệnh viện nước ngoài như Bệnh viện Cộng hòa dân chủ Đức cũ, Bệnh viện Cathay - Đài Loan, Bệnh viện Hoàng gia Hawai, Bệnh viện Hoàng gia Vương quốc Bỉ, Bệnh viện quốc gia Singapore và Trung tâm nghiên cứu ung thư và dị ứng Bang Caliphornia của Mỹ…. để học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chuyên môn trong việc khám chữa bệnh và sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Cử chuyên gia xây dựng tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo cán bộ y tế và tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân là cán bộ Công an Lào và Campuchia. Tổ chức đoàn công tác cán bộ y tế các Bệnh viện sang học tập chuyên môn tại Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.. Phối hợp với các Tổ chức quốc tế như: Tổ chức Liên hợp quốc (UNAIDS, UNODC), Quỹ toàn cầu, Quỹ dân số thế giới, Tổ chức sức khỏe và gia đình thế giới... để triển khai các hoạt động dự phòng, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, Lao.. cho phạm nhân, trại viên, học sinh tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an quản lý.

Có thể khẳng định, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ, công tác đảm bảo y tế trong CAND đã đổi mới trên mọi mặt công tác, đạt được những thành tựu to lớn, có những bước trưởng thành vượt bậc, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

----------------

Kỳ tiếp theo (Kỳ VI): Y tế CAND giai đoạn 2016 đến nay

Kỳ trước (Kỳ IV): Công tác y tế đảm bảo cho lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ chiến lược thời kì đầu xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986)

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website