An toàn phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở
Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, phần lớn là đồi núi và cao nguyên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 huyện, thành phố với tổng số 102 xã, phường, thị trấn và được bố trí 02 đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Với đặc thù là một tỉnh miền núi có nền kinh tế khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, bà con còn bỡ ngỡ trong công tác PCCC, chính vì vậy các cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn đã triển khai đồng bộ các biện pháp linh hoạt, phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của địa phương.
Để bà con nắm, biết, nhận diện nguy cơ cháy, nổ tại gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh và biết được những kiến thức cơ bản về PCCC, cán bộ Công an xã đã đến từng thôn bản, từng cụm dân cư, thậm chí từng gia đình để chỉ dẫn, tuyên truyền cặn kẽ cho bà con về các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, cách sử dụng bình chữa cháy, các trang thiết bị, vật dụng để dập tắt đám cháy và quan trọng nhất là hướng dẫn cho bà con thực hành các thao tác chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trong thực tế.
Nhiều hộ gia đình đã cho biết: “Sau khi được Công an xã, phường, thị trấn tuyên truyền về PCCC và CNCH, gia đình đã nhận thức rõ các yếu tố đảm bảo an toàn PCCC có vai trò quan trọng, đồng thời gia đình đã tự giác bỏ kinh phí mua trang thiết bị, dụng cụ PCCC để xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra trong thực tế; chủ động ứng phó với các sự cố cháy nổ tại chỗ một cách nhanh chóng”. Từ chỗ xem công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng thì giờ đây người dân đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn PCCC trong khu dân cư.
|
Cán bộ Công an xã đang tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC tại cơ sở. |
Trong phạm vi được phân công, phân cấp việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở (số cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý là 4.277/5.366 cơ sở, chiếm 79,71% tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn toàn tỉnh), Công an xã, phường, thị trấn đã chủ động tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua quá trình kiểm tra, lực lượng Công an cấp xã đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn cơ sở khắc phục, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về PCCC; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
|
Phong trào “Tuyến đường 100% gia đình trang bị bình chữa cháy” |
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở, lực lượng Công an xã đã chứng minh mình luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện đẩy mạnh phong trào Toàn dân phòng cháy chữa cháy tại cấp cơ sở. Nổi bật là việc sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, cùng với các ngành, đơn vị trong địa phương, lực lượng Công an xã đã tích cực, chủ động tham mưu UBND cấp xã tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả Chỉ thị trên như xây dựng các mô hình, phát động các phong trào hay trên địa bàn: Phong trào “Tuyến đường 100% gia đình trang bị bình chữa cháy”, tạo nên khí thế sôi nổi trong việc thực hiện chỉ tiêu vận động tối thiểu mỗi gia đình trang bị 01 bình chữa cháy theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh; đẩy mạnh xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được đã vượt qua chỉ tiêu được Công an tỉnh giao: Đã xây dựng 203 Tổ liên gia an toàn PCCC (đạt 123,89%) và 37 Điểm chữa cháy công cộng (đạt 105,72%) trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, Công an cấp xã còn đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC đến các tầng lớp nhân dân: Đã mở 757 lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân, hộ gia đình (đạt 127,83%); vận động 99% hộ gia đình chủ động mở lối thoát nạn thứ 2, đảm bảo an toàn thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
|
Đưa công tác phòng cháy, chữa cháy đi vào cuộc sống của người dân |
Thực tế cho thấy: “Nước xa khó dập được lửa gần”, khó khăn từ việc địa bàn quản lý rộng, mạng lưới lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bố trí còn mỏng do đó khi đám cháy mới bắt đầu phát sinh nên việc vận dụng hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để tận dụng "thời điểm vàng" (05 phút kể từ khi xuất hiện đám cháy) để kịp thời ngăn chặn, dập tắt đám cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa tiếp cận được hiện trường là hết sức cần thiết.
Qua thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 61 vụ cháy trong đó 34 vụ do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xử lý, 27 vụ do lực lượng tại chỗ xử lý (chiếm 44,3%); 47 vụ tai nạn, sự cố trong đó 39 vụ do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xử lý, 08 vụ do lực lượng tại chỗ xử lý (chiếm 17%). Vì vậy lực lượng tại chỗ mà nòng cốt là lực lượng Công an xã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chữa cháy và CNCH ở giai đoạn ban đầu với những vụ cháy, tai nạn sự cố nằm cách xa đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH.
Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại “Tổ liên gia an toàn PCCC”
Việc vận dụng phương châm này đã mang lại hiệu quả hết sức rõ rệt, điển hình như vụ cháy xảy ra tại Cửa hàng Tạp hoá Hiến Son vào lúc 0h20' ngày 10/02/2024 ở số nhà 121 đường Hùng Vương, thôn 14A, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Tại thời điểm xảy ra cháy không có người ở nhà, thời tiết có gió to, chất cháy chủ yếu là giấy, bao bì, gỗ… đám cháy có khả năng lan sang các nhà dân lân cận. Địa điểm xảy ra cháy cách Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện Ngọc Hồi khoảng 60 km, thời gian để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp di chuyển đến đám cháy khoảng 01 giờ đồng hồ.
Trong thời gian lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến đám cháy, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, Chỉ huy tại chỗ là Chủ tịch UBND xã Đăk Pék đã huy động lực lượng Công an xã Đăk Pék, dân phòng, Tổ liên gia an toàn PCCC, người dân… sử dụng các phương tiện tại chỗ (bình chữa cháy xách tay, ống dẫn nước, đèn pin…) để tham gia chữa cháy.
|
Vụ cháy xảy ra tại Cửa hàng Tạp hoá Hiến Son (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) ngày 10/02/2024 |
Chính nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng Công an xã Đăk Pék phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ khác, đám cháy đã được ngăn chặn kịp thời, không để cháy lan ra toàn bộ dãy nhà, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Qua đó có thể thấy, lực lượng tại chỗ nói chung, lực lượng Công an xã nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, thực hiện chữa cháy kịp thời tại cơ sở.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lực lượng Công an xã cần thực hiện một số giải pháp được đề xuất như sau:
Một là, công tác PCCC và CNCH và phong trào toàn dân tham gia PCCC phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC, đưa phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC trở thành phong trào thế trận toàn dân. Tiếp tục duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình điển hình hay, hiệu quả, có cơ chế chính sách khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và phong trào toàn dân PCCC, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn PCCC; Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, chú trọng các đối tượng là công nhân lao động, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh, hộ gia đình… để công tác PCCC đi vào từng công việc, sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, góp phần làm giảm số vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
Ba là, cán bộ Công an xã cần tích cực học hỏi, chủ động nghiên cứu nghiệp vụ chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH, từng bước nâng cao kỹ năng, kiến thức để chủ động, linh hoạt và thực hành có hiệu quả các kiến thức liên quan đến nghiệp vụ phòng cháy tại cơ sở và tham mưu tốt hơn cho chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH đối với những cơ sở, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.