Dự Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, các học viện, trường Công an nhân dân (CAND)…
|
Các đại biểu dự Hội thảo. |
Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Giáo dục, đào tạo là một lĩnh vực quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đối với lực lượng CAND, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của ngành Công an đã được cụ thể hoá thành Nghị quyết số 17, Chỉ thị số 13 ngày 28/10/2014 và sau này là Chỉ thị số 12 ngày 20/10/2020. Kể từ đó đến nay, công tác giáo dục của CAND đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, góp phần quan trọng trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất, năng lực, vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, có kiến thức cần thiết về khoa học - kỹ thuật, ngoại ngữ và kỹ năng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đáp ứng với đòi hỏi chung của đất nước và nhiệm vụ công tác công an.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác giáo dục, đào tạo trong CAND vẫn còn bộc lộ một số tồn tại và đang đứng trước nhiều thách thức. Việc tổ chức Hội thảo khoa học hôm nay là diễn đàn khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND; qua đó cung cấp các luận cứ khoa học, các kiến nghị, đề xuất giải pháp để Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực CAND, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với tinh thần đó, Ban Tổ chức đã nhận được 133 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng; đại diện các học viện, trường CAND, đại diện Công an các đơn vị, địa phương và các nhà khoa học trong, ngoài lực lượng CAND. Tại Hội thảo, 13 ý kiến tham luận cũng đã chỉ ra những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân trong công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND trong thời gian qua; yêu cầu thực tiễn và những yếu tố tác động đến công tác giáo dục, đào tạo trong CAND; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND đến năm 2030…
|
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
|
Trong đó, đại diện Công an TP Hà Nội đã chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; nêu rõ: “Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác giáo dục, đào tạo theo phương châm “cần gì bồi dưỡng đấy”, “xã hội học tập”, trên cơ sở chuẩn hoá vị trí việc làm, nhu cầu bố trí, sử dụng, quy hoạch đội ngũ cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay từ thực tiễn công tác, chiến đấu; đẩy mạnh tự đào tạo, tự học hỏi, tự nghiên cứu, trau dồi, làm dầy thêm kiến thức, kỹ năng công tác, hoàn thiện tư duy khoa học trên nền tảng phải “tròn vai, thuộc bài”, phát triển tư duy sáng tạo, đổi mới, thiết thực phục vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chiến đấu ở từng đơn vị, từng lĩnh vực.
Khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng là vấn đề then chốt, mang tính chất quyết định trong xây dựng lực lượng An ninh nội địa, đại diện Cục An ninh nội địa cho rằng: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần phải được thực hiện thường xuyên, có kế hoạch, mục tiêu và giải pháp cụ thể, có dự báo và quy hoạch dài hạn, ngắn hạn. Ngoài ra, cần kết hợp đồng thời nhiều hình thức đào tạo, cả tự đào tạo trong đơn vị và cử cán bộ tham gia các lớp, khoá đào tạo ở trong và ngoài nước.
Đại diện Công an tỉnh Điện Biên cũng đề xuất các trường CAND cần đổi mới phương pháp dạy học, thí điểm hình thức dạy học trực tuyến về Tiếng dân tộc cho cán bộ chiến sĩ; có cơ chế khuyến khích đối với con em đồng bào dân tộc có nguyện vọng vào ngành Công an.
|
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện đầu khoá, lực lượng dự bị chiến đấu trong các trường CAND, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nhấn mạnh, cần quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, xây dựng hệ thống nhà trường, trung tâm huấn luyện trong CAND chính quy, mẫu mực, hiện đại. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, hướng tới việc xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ngoài ra, cần tổ chức tốt công tác sơ kết tổng kết, đánh giá đúng chất lượng đào tạo, huấn luyện, kịp thời phát huy tốt ưu điểm đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bổ sung cập nhật những nội dung mới, tiếp thu những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng vào trong huấn luyện đầu khoá…
Đề cập đến vấn đề xác định chỉ tiêu đào tạo, đại diện Cục Tổ chức cán bộ cho rằng, đối với việc xác định số lượng tổng chỉ tiêu đào tạo tuyển mới phải dựa trên số lượng nhân lực hiện có và dự báo nhân lực trong từng giai đoạn, thực trạng đội ngũ cán bộ. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo cụ thể phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an, nhu cầu sử dụng cán bộ, vị trí việc làm của Công an từng đơn vị, địa phương. Ngoài ra, việc xác định chỉ tiêu đào tạo phải gắn với mục tiêu đào tạo cán bộ chính quy, chất lượng, bài bản.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định: Trên cơ sở mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ CAND vững mạnh, toàn diện, bảo đảm số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đến năm 2030 có trên 70% cán bộ có trình độ đại học Công an và trung cấp lý luận chính trị trở lên” được xác định trong Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, Hội thảo đã thống nhất cao về phương hướng, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo. |
Trong đó, xác định việc cần hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho các học viện, trường đại học, trung cấp CAND đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của cấp có thẩm quyền. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND. Đồng thời, hoàn thiện ngành nghề, nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an.
Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an. Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác với các cơ sở đào tạo ngoài ngành Công an về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND. Xây dựng định mức tiêu chuẩn trang thiết bị cho các khu huấn luyện, thực hành, thao trường, bãi tập liên hoàn và các loại phòng học, phòng thí nghiệm theo từng khoa, chuyên ngành, cấp trình độ đào tạo trong các học viện, trường CAND. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường thuận lợi để phát triển giáo dục và đào tạo…
|
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu dự Hội thảo. |
Trân trọng cảm ơn các báo cáo khoa học cũng như những ý kiến tham luận tâm huyết của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Cục Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các học viện, trường CAND và Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND.