|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Thiếu tướng Trần Minh Tiến, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có: đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng; đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an và Công an 14 tỉnh, thành phố…
|
đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo. |
Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật phạm tội ở nước ngoài và người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội ở Việt Nam diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng đã và đang tác động không tốt đến tình hình an ninh trật tự và môi trường đầu tư, phát triển của đất nước. Theo thống kê, số người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, bị các cơ quan chức năng của nước ngoài phát hiện xử lý tăng hơn 33% so với năm 2022. Hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là cư trú bất hợp pháp, nhập cảnh trái phép… Người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội tại Việt Nam ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Công an các đơn vị địa phương, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 343 vụ việc với 461 đối tượng là người nước ngoài có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Hành vi phạm tội của các đối tượng người nước ngoài rất đa dạng, chủ yếu tại địa bàn các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp, địa điểm du lịch nổi tiếng, nhiều người nước ngoài sinh sống, kinh doanh. Thành phần các đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật chủ yếu là số người vào Việt Nam để du lịch, kiếm việc làm hoặc dưới danh nghĩa các doanh nghiệp vào khảo sát đầu tư.
|
Thiếu tướng Trần Minh Tiến, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bế mạc Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, khoa học đã trình bày nhiều tham luận, tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ nhận thức chung và kinh nghiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn người Việt Nam vi phạm pháp luật, phạm tội ở nước ngoài và người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội ở Việt Nam; đồng thời đánh giá, phân tích những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Qua đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục những vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật, phạm tội nước ngoài, người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội ở Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thiếu tướng Trần Minh Tiến, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã nhấn mạnh một số nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác hợp tác quốc tế. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ban ngành trong trao đổi, chia sẻ thông tin phục vụ công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến người Việt Nam vi phạm pháp luật, phạm tội ở nước ngoài, người nước ngoài vi phạm pháp luật, phạm tội ở Việt Nam. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam...