Nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can

26/05/2022
Lượt xem: 6884
Sáng 26/5/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo “Nhận diện những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguy cơ về pháp lý trong thực tiễn triển khai công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an dự, phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; Công an một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự là xu thế tất yếu trên thế giới. Công tác này cũng cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, góp phần quan trọng trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo minh bạch, công khai, hạn chế oan, sai và kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội thảo. 


Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đặt ra nhiều vấn đề gợi mở với các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung thảo luận như công tác số hóa hồ sơ, tài liệu, tiêu chuẩn trong ghi âm, ghi hình có âm thanh, cách lưu trữ đảm bảo đúng pháp luật; công tác bố trí con người, triển khai mô hình tổ chức, biên chế đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh... 

“Chúng ta đã nghiên cứu một số mô hình nền tư pháp tiên tiến trên thế giới. Trong thực tiễn có rất nhiều những khác biệt. Lực lượng Công an đang triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu quốc gia dân cư, đặt ra yêu cầu, mục tiêu làm sao người dân ít dùng giấy tờ nhất, ít phải gặp cơ quan công quyền nhất, minh bạch, chống thất thoát, gian lận… Việc hoàn thiện nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền công dân là hoàn chính xác. Hoạt động của Cơ quan điều tra phải tính toán để đảm bảo các yếu tố trên, phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh. Đồng chí Thứ trưởng cũng lưu ý, sau Hội thảo, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan tư pháp trong và ngoài ngành Công an để làm rõ những vấn đề, nội dung trọng tâm cần đặt ra.

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, Đại tá Chử Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khẳng định: Cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội và triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ Công an đã tổ chức quán triệt các quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó có quy định về việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can đến Cơ quan điều tra các cấp, từng điều tra viên, cán bộ điều tra trong lực lượng Công an nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương bước đầu đã tổ chức triển khai việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra các vụ án. 

 
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. 


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai ghi âm hoặc ghi hình hỏi cung bị can vẫn chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do chưa được trang bị cơ sở vật chất và còn nhiều hạn chế trong tập huấn, bồi dưỡng cán bộ về những quy định trong công tác lư trữ, bảo quản và sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. 

Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chủ trì điều hành tham luận tại Hội thảo. Các ý kiến tham luận đã đề cập đến các nhóm các vấn đề về cơ sở lý luận, thực tiễn, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, tập huấn lực lượng điều tra viên, các chuyên đề về cơ sở vật chất xung quanh công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can theo quy địnhh của Bộ luật Tố tụng hình sự... Qua đó, góp phần nhận diện khá đầy đủ, đúng đắn dưới góc độ pháp lý, lý luận và thực tiễn áp dụng cũng như hệ quả pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh. 

Các đại biểu cũng làm rõ những giải pháp và yêu cầu đặt ra trong hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; công tác ghi âm, ghi hình cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia có hoạt động ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như những giải pháp phòng ngừa các vi phạm thường gặp trong hoạt động hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh …

Kết lại Hội thảo, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an trân trọng cảm ơn lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm làm rõ hơn những nội dung đặt ra tại Hội thảo. 

Trung tướng Đỗ Văn Hoành phát biểu tại Hội thảo. 


Đồng chí Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu rõ: Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do vậy để thực hiện đúng và có hiệu quả công tác này, phù hợp với thực tiễn của hoạt động điều tra xử lý tội phạm, khắc phục những khó khăn, bất cập có thể nảy sinh trong hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh, các đơn vị cần tiếp tục tập trung quán triệt các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Công an đến các đồng chí lãnh đạo Cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm. Nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho điều tra viên, cán bộ điều tra kỹ năng, tư thế, tác phong, thái độ trong thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. Sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, từ đó đề xuất bổ sung lý luận về hoạt động hỏi cung bị can cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Công an các địa phương cần chủ động bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ chuyên môn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn kinh phí phục vụ trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh để thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm. 

 

 

Phương Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website