Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới

25/02/2023
Lượt xem: 3073
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số (CĐS) phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá; quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số, người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể trong CĐS.

Sáng 25/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

 

Sau khi nghe Báo cáo tóm tắt định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai CĐS quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Uỷ ban quốc gia về CĐS; Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án 06, các đại biểu tham luận về CĐS và triển khai Đề án 06. Các đại biểu đã đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, từ sau Hội nghị Chính phủ sơ kết 01 năm Đề án 06 ngày 25/12/2022 đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhiều nhiệm vụ được thực hiện xuyên Tết Nguyên đán, qua đó kết quả đạt được rất tích cực. Đề án tiếp tục được triển khai theo hướng sâu sát, cụ thể với 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của địa phương với các mốc thời gian hoàn thành tính theo từng ngày.

Năm 2023 được xác định là năm quốc gia về dữ liệu số, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện. Từ việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, chúng ta cũng cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng các cơ sở dữ liệu, theo đó tạo lập dữ liệu phải gắn với duy trì, nuôi sống dữ liệu; tạo lập dữ liệu đã khó, duy trì nuôi sống dữ liệu còn khó hơn nhiều. Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và bảo đảm cập nhật “đúng, đủ, sạch, sống” thường xuyên từ cơ sở, Bộ Công an luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, tạo lập dữ liệu, qua đó vừa tận dụng những dữ liệu đã có để tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm đồng bộ, thống nhất phục vụ CĐS quốc gia, mang lại tiện ích cho người dân và xã hội.

Bộ Công an đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy nhanh việc xây dựng Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những nội dung quan trọng, tạo cơ sở để xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia theo kết luận của Chính phủ.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.

 

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tạo lập dữ liệu phải đi liền với bảo vệ dữ liệu. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua kiểm tra hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn rất cụ thể, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu. Đồng thời, phải khẩn trương hoàn thiện ngay khuôn khổ pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng chí Bộ trưởng cho biết, Chủ tịch Quốc hội vừa có ý kiến thống nhất để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong tháng 02/2023, mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định để triển khai thực hiện đồng bộ. 

Bên cạnh đó, cần khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nhân lực để thúc đẩy CĐS nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng. Ngay sau Hội nghị này, chúng ta phải quyết liệt triển khai, bảo đảm đúng lộ trình, đây là cam kết trước Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân, không thể chậm muộn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Tổ công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06 sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, nhất là sau khi có thêm 05 đồng chí Bộ trưởng tham gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác, nhất là Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các địa phương như Đà Nẵng, Bình Phước, Nam Định, Bình Dương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023, nhiệm vụ CĐS quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, CĐS là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. CĐS phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến…; đồng thời, quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số... 

Nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch CĐS năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề "Năm quốc gia về dữ liệu số", hoàn thành trong quý I/2023. Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp để đánh giá kỹ những rào cản, nguyên nhân và đưa ra quyết sách tháo gỡ, không hoạt động hình thức, chung chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng kế hoạch CĐS phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch; khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS quốc gia. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy CĐS quốc gia. Đẩy mạnh CĐS trong cả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành trong các bộ, ngành, địa phương. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách.

Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định 422, Chỉ thị 05 của Thủ tướng)... Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực CĐS, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đẩy mạnh xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu đăng ký thuế; nghiên cứu triển khai sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử, gắn định danh điện tử với mã số thuế. Phấn đấu đến tháng 6/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Đa dạng hóa các tiện ích phù hợp, thiết thực, hiệu quả và tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng VNeID. Chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương...

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023. Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nghiên cứu và có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với thông tin xấu độc, sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước; làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao, giải quyết tình trạng "SIM rác".

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông rà soát lộ trình bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi quốc gia, Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. 

 

Phương Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website