Tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, “không để đi sau tội phạm”

12/09/2022
Lượt xem: 1687
Sáng 12/9/2022, tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tăng cường phòng, chống tội phạm (PCTP) cụm địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và Công an các địa phương: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cùng các đại biểu dự Hội nghị.

 

Báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTP 8 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh gồm Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an nêu rõ: Thời gian qua, Công an 07 địa phương đã chủ động ban hành, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và hướng dẫn nghiệp vụ của các Cục trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Chú trọng công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị vào cuộc theo đúng tinh thần Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị; đồng thời kết hợp triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Tập trung thực hiện quyết liệt các phương án, kế hoạch nghiệp vụ chuyên đề đã góp phần nhận diện rõ hơn bản chất các loại tội phạm, cũng như những vấn đề đặc trưng của tội phạm và tình hình trật tự xã hội sau dịch Covid-19 khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới; nhất là đã xác định các trọng điểm, khâu đột phá để đánh đúng, đánh trúng các đường dây, tổ chức tội phạm, tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự, thực hiện mục tiêu kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội năm 2019.
 
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị.

 

Phạm pháp hình sự kéo giảm và vượt chỉ tiêu của Bộ giao; tỷ lệ điều tra khám phá án cao hơn chỉ tiêu đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2019. Đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, buôn lậu đạt kết quả cao hơn so với toàn quốc, trong đó nhận diện nhiều vụ án lớn, ngăn chặn thất thoát, thu hồi tài sản cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Tấn công, trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm mua bán ma túy lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia; phát hiện, xử lý 2.257 vụ, 4.332 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 57,31kg heroin; 454,84 kg ma túy tổng hợp và 113.479 viên ma túy tổng hợp. Điều tra, xử lý các vụ phạm tội về môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, cao hơn so với toàn quốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã tiếp nhận, giải quyết 25.376 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…
 
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số Cục nghiệp vụ, Công an TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh đã báo cáo tình hình, kết quả thời gian qua, đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường đấu tranh PCTP trong thời gian tới như giải pháp thực hiện, phối hợp giữa Công an các địa phương trong đấu tranh với các loại tội phạm như tội phạm trong thanh thiếu niên, tội phạm đường phố, tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…; giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội năm 2022…
 
Các đại biểu phát biểu tham luận.
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận những kết quả mà các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ, Công an TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh đã đạt được trong công tác đấu tranh PCTP thời gian qua. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.
 
 
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia công tác PCTP. Rà soát các chuyên đề, các phương án để chủ động điều chỉnh, bổ sung phù hợp đặc điểm tình hình, địa bàn, nhất là Phương án của Bộ về tăng cường PCTP, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong và sau dịch bệnh Covid-19 trong nhận diện tội phạm trong giai đoạn mới để tập trung quyết liệt đấu tranh góp phần giảm bền vững 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, “không để đi sau tội phạm”… Tiếp tục làm tốt việc thực hiện một số chuyên đề chuyên sâu trong PCTP, nhất là những loại tội phạm gây bức xúc dư luận, điển hình như chuyên đề quản lý, vận động thu hồi và đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chuyên đề đấu tranh với tội phạm mua bán người; chuyên đề đấu tranh với các loại tội phạm băng nhóm có tổ chức và tội phạm trên các tuyến giao thông “tội phạm đường phố”, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao; tăng cường truy bắt đối tượng truy nã; công tác quản lý, phòng ngừa người tâm thần gây án… 
 
Toàn cảnh Hội nghị.
 
Đồng chí Thứ trưởng cũng lưu ý việc tăng cường công tác quản lý đối tượng hoạt động lưu động tại cụm địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh. Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, các mặt công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả các mặt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong PCTP; chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTP. Chú trọng công tác thống kê, báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn lực lượng Công an cơ sở… 
 
Phan Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website