Thừa Thiên - Huế: Ngăn chặn “tín dụng đen” tại khu công nghiệp

23/08/2022
Lượt xem: 1776
Trước tình trạng “tín dụng đen” thâm nhập vào các khu công nghiệp ( KCN), khu kinh tế trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chủ động đến các KCN để tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen” trong công nhân lao động (CNLĐ).

Đã gần 1 tuần nay, từ khi Công an huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) bắt giữ Võ Trọng Tiến (sinh năm 1982, trú thị trấn Phong Điền) có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; người dân địa phương vẫn chưa hết lo lắng bởi gần đây, vấn nạn “tín dụng đen” đã làm xáo trộn an ninh, trật tự các vùng quê yên bình ở thị trấn Phong Điền…

Theo cơ quan Công an, Võ Trọng Tiến là công nhân làm ở bộ phận tổ máy của một công ty may mặc đóng tại KCN Phong Điền. Quá trình làm việc tại đây, Tiến biết nhiều công nhân trong công ty cần vay vốn nhanh nên Tiến đã chủ động đứng ra tổ chức cho vay tiền với lãi suất 121,6%/năm. Một trong số nạn nhân của đối tượng Tiến cho biết, do có nhu cầu mua xe máy để đi làm nên đã vay Tiến 15 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vòng 5 tháng, người này đã trả cả lãi và gốc cho Tiến 15 triệu đồng nhưng vẫn nhận được thông báo, còn nợ 6 triệu đồng…

Qua điều tra ban đầu, từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2022, Tiến đã cho vay lãi nặng trên 30 người, với tổng số tiền hơn 330 triệu đồng, thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng. Hiện, Công an huyện Phong Điền đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Trọng Tiến và tiếp tục điều tra mở rộng.

Ngày 22/8, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Huế cho biết, cơ quan điều tra cũng vừa Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối Bùi Sỹ Ích (sinh năm 1992, trú thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
 

Đối tượng Bùi Sỹ Ích khai nhận hành vi cho vay lãi nặng tại cơ quan Công an.


Vào khoảng tháng 3/2022, Ích vào Thừa Thiên-Huế, thuê phòng trọ tại thị xã Hương Thủy để hoạt động cho vay nặng lãi. Tại đây, Ích chuẩn bị tờ rơi cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, sau đó dán, rải tại các nơi công cộng hoặc đăng tải lên trang mạng xã hội nhằm mục đích tìm “khách hàng”. Từ tháng 3/2022 đến nay, Ích cho nhiều người vay tiền, trong đó có một trường hợp nữ làm công nhân. Mỗi hợp đồng Ích cho vay có giá trị từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, lãi suất cho vay lên đến 365%/năm… Trong số các nạn nhân của Ích có chị Trương Thị H. (sinh năm 1983, trú phường Thủy Vân, thành phố Huế)  vay tiền nhưng chưa có tiền để trả, Ích đã đánh chị H. gây thương tích phải nhập viện…

Trước vấn nạn "tín dụng đen" len lỏi vào các KCN, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) từ tỉnh đến huyện và tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được công văn chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ.

Theo ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, cán bộ công đoàn yên tâm lao động sản xuất, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; chúng tôi đề nghị các cấp công đoàn chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, nhất là ở những nơi có đông CNLĐ. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để CNLĐ biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận CNLĐ. Trước tình trạng “tín dụng đen” thâm nhập vào các KCN, khu kinh tế trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đến các KCN để tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ. 

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ nhiều đối tượng ở ngoại tỉnh như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh… vào Huế hoạt động cho vay lãi nặng. Quá trình trinh sát nắm địa bàn, Công an phát hiện có không ít nạn nhân là công nhân đang làm việc tại các KCN đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Một số công nhân sau khi vay tiền nhưng do lãi suất quá cao, không thể trả nổi đã bị các đối tượng “truy lùng” buộc phải tạm nghỉ việc, hoặc bỏ việc trốn vào Nam…

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến cáo, CNLĐ đang làm việc tại các KCN, khu kinh tế trong toàn tỉnh hết sức lưu ý và cảnh giác, tuyệt đối không nên nghe theo các đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Nếu thấy biểu hiện trong nội bộ CNLĐ tại các công ty, nhà máy ở các KCN, khu kinh tế tỉnh, cần báo cho lãnh đạo công ty hoặc cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời…
 

 

Hải Lan - Minh Ngân
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website