Trao giải cuộc thi phóng sự truyền hình lực lượng CAND với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

28/12/2022
Lượt xem: 2424
Lễ trao giải cuộc thi phóng sự truyền hình lực lượng Công an nhân dân (CAND) với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã diễn ra vào tối ngày 28/12/2022 tại Hà Nội. 21 tác phẩm với chất lượng chuyên môn cao, giá trị nhân văn sâu sắc và đạt hiệu quả truyền tải thông điệp hay đã được Ban Tổ chức lựa chọn trao giải.

Dự Lễ trao giải có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi; đại diện Công an các các đơn vị, địa phương, Học viện, trường CAND…

Báo cáo về công tác tổ chức cuộc thi, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là những khủng hoảng kép mà nhân loại đang phải đối mặt. Để chuyển hóa thành công những thách thức từ các cuộc khủng hoảng này gây ra thành những cơ hội phát triển là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong toàn xã hội. Bộ Công an luôn xác định rõ mục tiêu, vai trò và trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đối khí hậu, phát triển bền vững đất nước. 

Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi phát biểu tại Lễ trao giải.

 

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, cuộc thi xây dựng phóng sự truyền hình lực lượng CAND với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân, cộng đồng đã có những đóng góp to lớn về công sức, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của lực lượng Công an nói riêng và quốc gia nói chung. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là nơi giới thiệu, ươm mầm những giải pháp, chính sách, mô hình, sáng tạo, đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của từng đơn vị, khu vực và quốc gia. 

Qua 3 tháng phát động từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2022, Ban Tổ chức đã nhận được số lượng lớn tác phẩm đến từ nhiều tác giả trong và ngoài Ngành. Nội dung và hình thức thể hiện trong các tác phẩm rất đa dạng và phong phú với nhiều đề tài khác nhau từ công tác quản lý bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản, công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, các mô hình, sáng kiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu... Đặc biệt, các phóng sự dù đi vào khai thác đề tài nào cũng nêu bật sự tham gia và vai trò của lực lượng CAND cùng chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể và nhân dân chung thay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đó là câu chuyện về các chiến sĩ Công an không quản khó khăn, nguy hiểm, có mặt ứng cứu và giúp đỡ bà con vùng bão lũ, sạt lở đất vô cùng ấn tượng. Đó là hình ảnh người chiến sĩ trong mưa lũ cõng dân khỏi nơi nguy hiểm, hay dầm mình trong bùn để trồng cây làm kè chắn sóng biển giữ đất. Là hình ảnh các cán bộ Công an bất chấp dịch bệnh không quản đường xa đến tận các thôn bản hướng dẫn bà con dân tộc cách vệ sinh môi trường và bảo vệ sức khỏe. Những phóng sự điều tra, truy bắt các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, buôn bán gỗ lậu, động vật hoang dã… cũng được các tác giả phản ánh chân thực, rõ nét, cho thấy những khó khăn, nguy hiểm mà chiến sĩ Công an phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiều tác phẩm dự thi đã nêu bật những sáng kiến hay của lực lượng Công an ở nhiều vùng miền như: Đổi quà lấy súng, dùng rác tái chế làm bản đồ dạy học… cũng được thể hiện khá thuyết phục.

Các nhân vật giao lưu tại chương trình.

 

Tại Lễ trao giải, khán giả đã có dịp giao lưu trực tiếp với các nhân vật điển hình cũng như tác giả của các tác phẩm phản ánh các câu chuyện ấn tượng, các mô hình hay về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Công an các đơn vị, địa phương.

Cơn bão số 9 năm 2020 gây mưa lũ lớn, sạt lở đã làm 43 người chết, mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị xóa sổ. Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, sau một cơn lũ ống tràn qua, nóc Ông Đề tan hoang, hàng chục người thương vong, mất tích. Bản thân Thiếu tá Nguyễn Anh Chiến, Trưởng Công an xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã không ngại hiểm nguy quên mình kịp thời cứu sống 1 cháu bé trong gang tất. Việc làm của anh cũng thể hiện rõ một trong ba nhiệm vụ chính của lực lượng CAND trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, Thiếu tá Nguyễn Anh Chiến nhấn mạnh: Khi đề án đưa Công an chính quy về Công an xã được triển khai, địa phương đã rất kỳ vọng, tin tưởng vào lực lượng Công an xã. Với trách nhiệm của người CAND, tôi luôn quan niệm phải làm hết sức mình giúp dân, hơn nữa là một người con của quê hương Quảng Nam, tôi càng thấu hiểu hơn ai hết đời sống kinh tế của người dân nơi đây, do đó, trong thiên tai bão lũ, tôi phải cố gắng hết sức mình để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trao giải Nhất cho nhóm tác giả Phòng PX03 Công an tỉnh Quảng Nam với tác phẩm “Điểm tựa của nhân dân”.

 

Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với hàng ngàn loài đặc hữu. Tuy nhiên chỉ trong vài thập kỷ qua, nhiều loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước vấn nạn mất đa dạng sinh học diễn ra ngày một gia tăng ở nước ta, việc đưa ra các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả cũng đang là vấn đề được Chính phủ và nhà nước hết sức quan tâm. Mô hình “Đổi quà lấy súng” của Công an tỉnh Thanh Hóa không chỉ mang lại hiệu quả trong việc nâng cao ý thức cho người dân, đồng thời còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Nói về ý tưởng sáng tạo này, Thiếu tá Nguyễn Đình Hợp, cán bộ Phòng PX03, Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Súng săn, súng tự chế gây ra rất nhiều hệ lụy nhưng do tập tục nên nhiều bà con đồng bào miền núi vẫn còn sử dụng rất nhiều súng săn, súng tự chế trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Do đó chúng tôi thực hiện mô hình “Đổi quà lấy súng” để động viên, khuyến khích bà con tự giác chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự. 

Đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải Nhì cho nhóm tác giả Phòng PX03 Công an tỉnh Hậu Giang và Phòng PX03 Công an tỉnh Thanh Hóa. 

 

Tại buổi Lễ, 21 tác phẩm với chất lượng chuyên môn cao, giá trị nhân văn sâu sắc và đạt hiệu quả truyền tải thông điệp hay đã được Ban Tổ chức lựa chọn trao giải. Trong đó 01 giải Nhất được trao cho nhóm tác giả Phòng PX03 Công an tỉnh Quảng Nam với tác phẩm “Điểm tựa của nhân dân”; 02 giải Nhì thuộc về tác phẩm “Công an Hậu Giang cùng nhân dân xây dựng những vùng xanh chống sạt lở” của nhóm tác giả Phòng PX03 Công an tỉnh Hậu Giang và tác phẩm “Đổi quà lấy súng” của Phòng PX03 Công an tỉnh Thanh Hóa. 

GSTS Khoa học Trương Quang Học, Đại học Quốc gia Hà Nội trao giải Ba cho các tác phẩm đạt giải. 
 
Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh trao giải Khuyến khích cho các tác giả đạt giải.


03 giải Ba thuộc về các nhóm tác giả: Phòng PX03 Công an tỉnh Hưng Yên; Truyền hình CAND; Công an tỉnh Quảng Ngãi. 05 giải Khuyến khích được trao cho các tác giả: Phòng PC09 Công an TP Hồ Chí Minh; Phòng PX03 Công an tỉnh Quảng Ninh; Phòng PX03 Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế; Phòng PX03 Công an tỉnh Điện Biên; Khoa Cảnh sát môi trường – Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. 

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND trao giải Ấn tượng cho các tác phẩm đoạt giải.

 

10 giải Ấn tượng thuộc về các tác giả: Ban Thời sự Truyền hình Quốc hội; Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II; Công an tỉnh Trà Vinh; Thượng úy Nguyễn Hải Linh, Công an tỉnh Bạc Liêu; Phòng PX03 Công an tỉnh Bắc Ninh; Phòng PX03 Công an tỉnh Gia Lai; Phòng PX03 Công an tỉnh Hà Nam; Phòng PC05 Công an TP Hà Nội; Phòng PX03 Công an tỉnh Phú Yên; Phòng PX03 Công an tỉnh Sơn La. 

 

Minh Ngọc
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website