Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện các bộ, ngành chức năng.
Tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng
Trong đó, đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết hiện nay trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt, liên quan đến tiền chất sản xuất ma túy thì tại Hội nghị Interpol vừa qua cũng đã đề cập. Đồng thời, xác định đây là mức nguy hiểm mới của ma túy tổng hợp, tức là gây những tác hại nguy hiểm cho xã hội.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Đối với Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, vấn đề mua bán người cũng diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch COVID-19 làn sóng di cư diễn ra phức tạp nên có tình trạng tội phạm lợi dụng làn sóng di cư để mua bán người và thực hiện các hành vi phạm tội.
Với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, qua các vụ án lớn vừa qua cho thấy sơ hở pháp luật. “Chúng tôi sẽ bàn với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kết nối dữ liệu doanh nghiệp và dữ liệu thuế và dữ liệu dân cư” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, không phải bây giờ Bộ Công an mới nghiên cứu mà trong 5 năm thực hiện vừa qua đều có tổng hợp, kiến nghị sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật, nhất là trong hoạt động không gian mạng và sau đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi đã nghiên cứu theo chiều dài của 5 năm vừa qua, phân tích kỹ theo các nhóm hành vi phạm tội. Tôi lấy ví dụ từ cuối năm ngoái trở lại đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 ở cả nước ta và các nước trên thế giới, điều này thể hiện sự manh động của tội phạm. Qua phân tích, đối tượng dùng vũ khí là dao để gây án chiếm tới 58% vụ việc và 54% đối tượng trong tổng số vụ việc và đối tượng. Như vậy, chúng ta đã thấy tính chất phức tạp của vấn đề này” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
|
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo một số nội dung liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc Bộ Công an. |
“Chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đồng chí và sẽ phối hợp với các cơ quan giải trình cụ thể, căn cơ để các đồng chí thấy nếu chúng ta chậm triển khai đề xuất sửa đổi ngày nào thì tội phạm còn tiếp tục xảy ra theo nhóm mà Bộ Công an đề xuất ngày đó” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và khẳng định, Bộ Công an sẽ hoàn thiện sớm, tiếp thu đầy đủ ý kiến và xin báo cáo Quốc hội đề nghị thông qua theo chương trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7.
4 dự án luật được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Theo đó, đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đề nghị UBTVQH xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, với 3 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. |
Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, dự án được xây dựng với 4 nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất trên cơ sở.
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Đối với dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 165, với 4 chính sách: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao; Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; Cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. |
Đối với 4 dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có báo cáo với Ủy ban Pháp luật để phối hợp thẩm tra. Đồng thời bày tỏ thống nhất cao, có nhiều góp ý đối với 4 dự án luật này, thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Liên quan đến một số ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), qua 5 năm thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực tế trong số 40 nghìn vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ, các tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…, trong số các vụ án này, có nhiều Công an đang thi hành nhiệm vụ bị thuơng và hy sinh… Do đó, thực tế đặt ra rất cần thiết sửa đổi dự án Luật này.
Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 7 như Tờ trình của Chính phủ.
Dựa trên yêu cầu thực tế, mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ như dao… gây ra án mạng cho người dân, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề xuất thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.
Tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật
|
Các đại biểu dự phiên họp. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào chương trình. Mặc dù luật có cho phép UBTVQH xem xét điều chỉnh Chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong các nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần quy định rõ trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện xây dựng luật đối với trường hợp phát sinh chính sách mới hoặc có sửa đổi, bổ sung chính sách đã nêu cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các nội dung cụ thể, đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án luật này liên quan chặt chẽ, tác động rất lớn đến sản xuất tiêu dùng, phòng, chống tội phạm…nên ngay từ đầu phải xin ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ, nhất là những ý kiến của các Hiệp hội người tiêu dùng, VCCI, những cơ quan đại diện cho người sản xuất và người tiêu dùng; không nên đặt ra những quy định làm khó cho doanh nghiệp và cho người dân trong quá trình này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này có những vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước cần phải làm kỹ. Như đối với quản lý tiền chất ma túy, có những loại do Bộ Công Thương quản lý, có những loại do Bộ Y tế quản lý, liên quan đến xuất nhập khẩu thì liên quan trực tiếp đến Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, vấn đề tiêu chuẩn vấn đề quy chuẩn nhiều loại hóa chất này…Do đó, vấn đề phối hợp kiểm tra chuyên ngành phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được quy định ở trong Nghị định để hướng dẫn Luật Hóa chất và các luật có liên quan. Vì vậy cần cố gắng mà luật hóa được những nội dung lớn có trong các nghị định.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi và cơ bản tán thành với nội dung các chính sách do Chính phủ đề xuất đối với 4 dự án luật trên. Hồ sơ đã được chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định.
Về tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị. Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại 1 kỳ họp.
Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).