Tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Ban soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình số 02 ngày 18/1/2019 của Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND năm 2018. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XIV, Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019; đối với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2019.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. |
Để triển khai thi hành Luật CAND năm 2018 nhằm bảo đảm chế độ, chính sách đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, kịp thời động viên lực lượng CAND tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND năm 2018 là cần thiết, cấp bách. Mục đích của Nghị quyết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng để thực hiện phong, thăng cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng CAND. Dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều: Điều 1 quy định chức vụ của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Điều 2 quy định chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành Nghị quyết.
Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm UBQPAN trình bày ý kiến của Thường trực Uỷ ban cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với lý do như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thi hành các quy định về phong, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND và bảo đảm tính khả thi, liên tục về quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với các chức vụ, chức danh trong CAND. Về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban cơ bản nhất trí Tờ trình và nội dung dự thảo Nghị quyết, đề nghị báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến. Đến nay, việc ban hành Nghị quyết đã chậm so với quy định về thời điểm có hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật CAND năm 2018. Do đó, để đảm bảo về thời điểm có hiệu lực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành Nghị quyết; đồng thời, xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày UBTVQH thông qua Nghị quyết.
|
Toàn cảnh phiên họp. |
Qua thảo luận tại phiên họp, có 02 loại ý kiến xoay quanh việc có nên quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng vào dự thảo Nghị quyết hay không. Bộ trưởng Tô Lâm đã phát biểu, giải trình về một số nội dung mà các đại biểu nêu, trong đó Bộ trưởng cho rằng, không nên quy định “cứng” bộ máy tổ chức vào trong Luật hay Nghị quyết, vì khi tổ chức bộ máy có sự thay đổi thì không còn phù hợp. Bộ Chính trị cũng đã chỉ định rõ tính linh hoạt của Luật và phương án được chọn ra là để UBTVQH quyết định.
Ngoài ra theo Bộ trưởng Tô Lâm, Báo cáo số 362 ngày 19/1/2018 của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật CAND cũng xác định rõ, “căn cứ số lượng, nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội xác định, UBTVQH quy định cụ thể những vị trí cấp bậc hàm cao nhất để đảm bảo tính chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức thực hiện”. “Đây cũng là điểm rất mới, UBTVQH báo cáo với Quốc hội cũng vận dụng tính linh hoạt. Do đó chúng ta phải chấp hành nguyên tắc không đưa vào trong luật tổ chức bộ máy”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thêm.
Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt nêu quan điểm, cần phải chia sẻ với thực tế là có một số luật cứng, không đồng bộ, gây khó khăn trong thực hiện, đồng thời phải tính toán làm sao để “luật đi vào cuộc sống, được lâu bền và sâu sát”. Đồng thời, bộ máy tổ chức của Bộ Công an đang trong quá trình hoàn thiện, do đó cần hết sức thận trọng khi quy định các vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng. Không nên cụ thể hoá các vị trí trong luật song cũng cần quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch, ấn định số lượng cấp Tướng, cũng như xem xét cấp đề xuất, cấp thẩm tra, cấp giám sát việc này có vướng mắc gì không…