Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở và công tác phòng, chống ma túy

10/12/2021
“Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm ma túy và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới” và “Lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở” là những nội dung khoa học được Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an tổ chức hội thảo tại Hà Nội, trong ngày 10/12/2021.
* Hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm ma túy và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới" do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã chủ trì . Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an…
Toàn cảnh Hội thảo "Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm ma túy và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới".


Trước đó, ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (Luật số 73/2021/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nêu rõ, mục đích, yêu cầu của Hội thảo nhằm tiếp tục góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc, toàn diện về lý luận và thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy; nâng cao nhận thức, trình độ lý luận về công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới trong toàn lực lượng Công an nhân dân; góp phần phát triển hệ thống lý luận Công an nhân dân về phòng, chống ma túy làm cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật trong công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên phát biểu tại Hội thảo.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã khái quát những quy định mới của Luật phòng, chống ma túy năm 2021; làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố, xử lý các vụ án về ma túy trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá về ưu điểm, nhược điểm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy đối với từng lực lượng chức năng, từ đó đề xuất phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thời gian tới nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.     

* Hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật  bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở” do Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các trường Công an nhân dân và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an…

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng phát biểu tại Hội thảo.


Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết, Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tham gia hỗ trợ cùng với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự còn có các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). Đây là những lực lượng do Nhà nước thành lập, bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách và hiện nay đang được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố. 

Với vị trí, chức năng là lực lượng xung kích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân quan trọng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Toàn cảnh Hội thảo "Lý luận về pháp luật  bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở".


Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và làm rõ về cơ sở lý luận, thực tiễn tổ chức của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, các đại biểu cũng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất về công tác đào tạo, bồi dưỡng và những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm bảo đảm cho lực lượng này có thể tham gia, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Thanh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website