Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay

25/08/2023
Lượt xem: 1982
Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra yêu cầu hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động nắm, phân tích, đánh giá tình hình, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; kiềm chế số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại gây ra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khi tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa, hiện đại hoá ngày càng nhanh, số lượng các công trình đa chức năng kết hợp giữa nhà cao tầng và tầng hầm được xây dựng mới ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, cùng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác PCCC và CNCH. Hiện nay, đối với những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng,… lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy, CNCH.
 
Xác định nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trong tình hình mới. Chủ trương hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước. Mới đây nhất đó là Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm quy hoạch nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại khác trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng PCCC”; Mục tiêu đến năm 2030: “Phát triển hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia;…”.
 
Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC phát biểu tại Hội nghị tổng kết
Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2022 - 2023.
 
 
Qua khảo sát thực tế cho thấy, quân số cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn; số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao còn hạn chế; tại một số đơn vị cán bộ, chiến sĩ ngoài thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác. Trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC và CNCH còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ; các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ CNCH còn chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng phương tiện thiết bị phục vụ chữa cháy và CNCH được trang bị hiện nay vẫn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và CNCH đặt ra, chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Vì vậy, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong giai đoạn hiện nay thể hiện nay phải hướng đến mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, giỏi về nghiệp vụ; một bộ phận cán bộ đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế. Nâng cao tiềm lực hậu cần, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị PCCC và CNCH hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong công tác PCCC và CNCH phục vụ hiệu quả yêu cầu công tác, chiến đấu.
 
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau đây:
 
Một là, tập trung triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án “Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Nghiên cứu, đổi mới, kiện toàn mạnh mẽ tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, xây dựng, tham khảo mô hình chuyển đổi số của các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực nhưng phải đảm bảo phù hợp với đặc thù của Việt Nam theo hướng Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở. Nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thực hiện việc phân công, phân cấp một cách triệt để, phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số trong thời gian tới, đảm bảo được tính kết nối, liên thông dữ liệu của tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.
 
Hai là, cần nắm bắt và tận dụng những thời cơ của cuộc cách mạng công nghệ số, đặc biệt là những ứng dụng về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực PCCC và CNCH, nhanh chóng triển khai, ứng dụng chuyển đổi số vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
 
Robot 114 - chữa cháy công trình công nghiệp của Trường Đại học PCCC.
 
 
Ba là, tập trung xây dựng nguồn nhân lực Cảnh sát PCCC và CNCH chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ chuyên sâu, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học về PCCC và CNCH, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao công nghệ về PCCC và CNCH, tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo với các nước, đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm, triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học gắn với những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại đặc biệt trong công tác chữa cháy, từ đó đáp ứng yêu cầu với thực tiễn.
 
Bốn là, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ với các tập đoàn, viện nghiên cứu quốc tế… để nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ PCCC và CNCH, nhằm sớm tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ có liên quan đến công tác PCCC và CNCH để có thể tự sản xuất, lắp ráp trang thiết bị PCCC và CNCH ở trong nước đáp ứng nhu cầu thực tiễn chiến đấu.
 
Năm là, đầu tư kinh phí để tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH hiện đại (rô bốt, máy bay, trực thăng, thiết bị không người lái để chữa cháy, CNCH) đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong điều kiện đặc biệt như: như đám cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hoá chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng.
 
Sáu là, thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong PCCC và CNCH với các nước. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC và CNCH; xây dựng chế độ, chính sách thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung.
 
Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website