Thông báo mới của Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tinh vi

01/11/2019
Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an thông báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đồng thời, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những hành vi sau:

Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi.


1. Thông qua kết nối mạng Internet (VoIP), các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước, đang bị nhà mạng khởi kiện. Sau đó, chúng nối máy với các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát để giải quyết. Các đối tượng này thông báo với người bị hại đang liên quan đến vụ án rửa tiền, mua bán ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản của bị hại liên quan đến các vụ án này, đã có lệnh bắt giam; để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internetbanking. Khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi rút tiền và chiếm đoạt.

2. Thông qua các trang mạng xã hội facebook, Zalo, Viber để làm quen, hứa gửi hàng, tiền, đô la có giá trị lớn, yêu cầu người bị hại cung cấp địa chỉ, số điện thoại để chúng gửi. Vài ngày sau, chúng đóng vai nhân viên Bưu điện hoặc Hải quan, kiểm tra phát hiện hàng có vi phạm, nếu muốn nhận phải đóng phí, thuế, tiền phạt… yêu cầu chuyển tiền, thuế hoặc tiền phạt vào tài khoản do chúng chỉ định và bị chiếm đoạt.

3. Đối tượng gọi điện thoại cho người bị hại thông báo là người của các Công ty xổ số đang thực hiện việc triệt phá các tụ điểm ghi số lô đề trái phép, đề nghị người bị hại phối hợp. Công ty xổ số sẽ bỏ tiền, còn người bị hại chỉ đi ghi hộ và sẽ trích thưởng thỏa đáng nhưng sau đó chúng tạo cớ không đến được đề nghị người bị hại bỏ tiền ghi hộ; nếu kết quả đúng số lô đề mà chúng cho thì sẽ đề nghị người bị hại bỏ tiền thỏa thuận và xem xét cho người bị hại ghi số tiếp tục nếu trúng thì đối tượng vẫn liên lạc, nếu không sẽ bỏ sim và chiếm đoạt số tiền người bị hại đã chuyển đến.

4. Thông qua các trang mạng xã hội đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân của bị hại. Sau đó, sử dụng tài khoản đó để nhắn tin đề nghị người thân bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn của chúng và bị chiếm đoạt.

5. Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu đóng góp ủng hộ Quỹ người nghèo, tàn tật bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chúng cho trước hoặc mua thẻ điện thoại chuyển thông tin cho các đối tượng, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
 

 

Ban Biên tập
Liên kết